“Hay, bổ ích và rất thiết thực với công tác tư pháp cơ sở” – đó là suy nghĩ chung của những người đã và đang làm công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường khi nói về các buổi giao ban chuyên đề do Phòng Tư pháp thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Toàn cảnh buổi giao ban chuyên đề |
Chọn vấn đề “nóng” để thảo luận
Ông Lê Văn Mười – Trưởng phòng Tư pháp TP.Nha Trang cho biết, xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về Tư pháp trên địa bàn thành phố, kết hợp với thực tiễn kiểm tra tư pháp xã, phường, từ đầu năm 2008, Phòng Tư pháp đã triển khai giao ban theo chuyên đề. Hàng quý, Phòng sẽ chọn một địa bàn có hoạt động mạnh nhất hoặc còn nhiều vấn đề tồn tại trong 4 lĩnh vực trọng tâm: công tác văn bản, chứng thực, hộ tịch và phổ biến, giáo dục pháp luật để tổ chức giao ban chuyên đề.
Điểm khác của giao ban chuyên đề so với giao ban thường kỳ hàng tháng về công tác tư pháp hộ tịch đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch là ngoài việc kiểm điểm công tác tháng qua, triển khai công tác tháng tới thì tại giao ban chuyên đề, công chức Tư pháp - Hộ tịch của 27 xã, phường trên địa bàn sẽ cùng nhau nghiên cứu, phân tích và trao đổi một chuyên đề cụ thể (được chọn lựa 1 trong 4 chuyên đề) về các quy định của pháp luật với thực tiễn thông qua toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến lĩnh vực giao ban mà địa phương đăng cai hội nghị cung cấp. Từng cá nhân sẽ được tai nghe, mắt thấy, cùng nghiên cứu tài liệu…
Qua đó, sẽ phát biểu ý kiến riêng, nhận xét đánh giá cách làm của địa phương có gì đúng, có điểm nào hay cần học tập hoặc chỗ nào còn thiếu sót, chưa phù hợp với quy định pháp luật, cũng có lúc là những vấn đề còn tranh luận do có nhiều cách hiểu khác nhau…Cuối cùng thì Phòng Tư pháp sẽ kết luận, rút kinh nghiệm chung đối với địa phương đăng cai giao ban và với công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường.
“Bằng cách làm này, chúng tôi kịp thời khắc phục những thiếu sót, có khi phát hiện ra sai phạm của cơ sở; đồng thời phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, động viên khen thưởng đúng lúc những mô hình, cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Qua đó, công tác đánh giá thi đua khen thưởng chính xác, đúng thực chất hơn. Mục đích cuối cùng của giao ban chuyên đề là nhằm nâng cao hiệu quả của công tác tư pháp cơ sở trên địa bàn”, ông Mười phấn khởi nói
Sôi nổi, thiết thực
Có mặt tại buổi giao ban chuyên đề về công tác văn bản vừa mới tổ chức tại UBND phường Phước Tân vào sáng 21/5, tôi đã không khỏi ngạc nhiên về không khí của buổi giao ban. Bắt đầu buổi giao ban, ông Lê Văn Mười đã nêu ra trường hợp thực tiễn ở phường X.
Căn cứ vào Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, UBND phường đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền nhưng có ý kiến của một cán bộ cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho rằng, UBND phường đã áp dụng mẫu văn bản xử phạt không đúng.
Theo cán bộ này, UBND phường phải sử dụng mẫu văn bản theo quy định của Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. “Theo các đồng chí thì như thế nào mới đúng quy định?” - ông Mười đặt câu hỏi.
Cả hội trường bắt đầu sôi động hẳn lên. Từng người, từng người phát biểu quan điểm cá nhân của mình trong trường hợp này. Sau khi có khoảng 5 ý kiến, đặc biệt là cùng thống nhất UBND phường X đã áp dụng văn bản đúng, ông Mười kết luận: Thông tư số 01/2011/TT-BNV quy định chung cho các văn bản hành chính thông thường, đối với những lĩnh vực chuyên ngành, nếu có quy định riêng thì phải áp dụng theo quy định của lĩnh vực đó. Trong trường hợp này, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP đã có quy định mẫu riêng, do vậy UBND phường đã áp dụng văn bản đúng quy định.
Đi vào nội dung chuyên đề, ông Lê Văn Mười giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND và Nghị định 91/2006/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND, UBND; Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản, đối chiếu và so sánh với Thông tư số 01/2011/TT-BNV. Từ đó rút ra những vấn đề khác biệt giữa kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính thông thường. Để minh họa cho bài thuyết trình, ông Mười nói: “Bây giờ đề nghị các đồng chí nghiên cứu, cho biết nhận xét của mình về những văn bản mà UBND phường Y. đã ban hành thời gian qua”
Hội trường lại tiếp tục sôi động, từng người đại diện cho nhóm lên bục phát biểu về công văn, quyết định, kế hoạch… mà nhóm mình được đọc. Sau mỗi người phát biểu là phần nhận xét của đại diện Phòng Tư pháp. Cứ thế, theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong vòng 40 phút, đã có 12 ý kiến chỉ ra những điểm đúng và chưa đúng, kể cả những lỗi thường gặp của văn bản như sai về thể thức trình bày, về phông chữ, về cỡ chữ, về nơi nhận…
Trao đổi bên lề buổi giao ban chuyên đề văn bản, ông Hồ Cao Phi – Phó Chủ tịch UBND phường Phước Tân đánh giá: “Đây là hình thức giao ban thiết thực, hữu ích. Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch là người tham mưu cho lãnh đạo UBND, do vậy cần nắm chắc quy định của pháp luật và có kinh nghiệm xử lý để tham mưu đúng cũng như kịp thời chỉnh sửa những sai sót trong công tác tư pháp. Qua các buổi giao ban như thế này, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch có điều kiện để nâng cao hiểu biết, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.”
Còn bà Đặng Thị Phương Mai – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập, người có thâm niên làm cán bộ Tư pháp từ năm 1993 đến tháng 8/2010 nhận xét: “Hình thức giao ban theo chuyên đề hay và bổ ích hơn giao ban truyền thống. Bởi qua thực tế của một địa phương, các đơn vị bạn rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình, nhất là đối cán bộ mới nhận nhiệm vụ”.
Mong rằng, với những nỗ lực của Phòng cũng như sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm của từng cán bộ Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn TP.Nha Trang, công tác Tư pháp – Hộ tịch của địa phương ngày càng phát triển, xứng đáng là “người gác cổng” đáng tin cậy của UBND cùng cấp.
Đặng Hữu