Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), số lượng startup tại Việt Nam thời gian qua có tốc độ tăng nhanh, từ 400 năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và hơn 3.000 trong năm 2018. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng đã tăng gấp 3 lần giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 lên gần 900 triệu USD.
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28). Những bước tăng trưởng nhảy vọt kể trên đã đưa HSTKN Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, HSTKN Việt Nam hiện đang có những bước phát triển vượt bậc. Bà Thạch Lê Anh, thành viên sáng lập Vietnam Silicon Valley (Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon của Bộ KH&CN tại Việt Nam) cho biết, sau 3 năm phát động, đến nay Vietnam Silicon Valley đã ươm tạo 80 dự án (DA), trong đó 1/3 DA thất bại ngay trong quá trình ươm tạo, 1/3 trở thành các công ty vừa và nhỏ, 28/80 startup còn lại đã gọi vốn thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo, tỷ lệ này cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (khoảng 10%).
Các startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển và Việt Nam là thị trường mới là yếu tố chính để tỷ lệ thành công này cao hơn mặt bằng thế giới. Theo ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc DA của Vietnam Silicon Valley, những startup ra đời trong giai đoạn 5 năm trở lại đây có nhiều cơ hội trở thành số 1, số 2 trên thị trường do không phải cạnh tranh với các DA lớn cũng như các đối thủ khác.
Cũng theo ông Huy, chất lượng startup Việt Nam ngày càng được nâng cao bởi họ được tiếp cận với kiến thức và thông tin xây dựng DN nhiều. Nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các startup cũng ngày càng nhiều gồm sự tham gia của quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều startup khởi nghiệp khi còn chưa tích lũy đủ kinh nghiệm xây dựng công ty, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực theo đuổi và năng lực tài chính. Ngoài ra, các startup Việt cũng phải cải thiện nhiều trình độ ngoại ngữ để có thể làm việc với các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường KH&CN, Bộ KH&CN, so với các nước trong khu vực, HSTKN của chúng ta còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ. Các yếu tố như hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm và văn hóa vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện từng bước.
“HSTKN Việt Nam còn đang thiếu cân đối trong phát triển. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính chỉ ở 3 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Nhưng qua thực tế thấy rằng, chỉ có ở quy mô địa phương mới có thể tạo ra những môi trường thúc đẩy đầu tư kinh doanh và gia tăng quy mô của DN khởi nghiệp thông qua cách tạo dựng môi trường khởi nghiệp hợp lý”, ông Quất nhận định.
Ông Quất cũng cho rằng chỉ có ở địa phương, các nền tảng của đổi mới sáng tạo là các trường đại học, viện nghiên cứu mới gắn sát được các nhu cầu và giá trị bản địa. DN khởi nghiệp địa phương, phát triển dựa trên các thế mạnh của địa phương mới có thể giúp lôi kéo cộng đồng nhà đầu tư tại chính địa phương, trước khi những quỹ đầu tư mạo hiểm tìm đến.
Bên cạnh đó, lĩnh vực DN khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục, là những lĩnh vực sau một số năm phát triển đã dần được định hình nên các startup mới rất khó tham gia vào thị nếu không có nguồn lực mạnh. Trong khi đó những lĩnh vực như văn hoá, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác.
Vì vậy, bên cạnh việc phát triển cân bằng HSTKN giữa các địa phương và thành phố lớn, việc phát triển các chương trình từ cơ bản tới chuyên sâu liên quan đến chuyển giao mô hình, kiến thức về đầu tư mạo hiểm và phát triển HSTKN cũng cần được quan tâm đặc biệt.