Hệ quả chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ

Giải pháp cắt giảm thuế của Mỹ được dự báo sẽ không còn hiệu quả vào năm 2019
Giải pháp cắt giảm thuế của Mỹ được dự báo sẽ không còn hiệu quả vào năm 2019
(PLO) - Tổng thuế doanh nghiệp mà chính phủ liên bang Mỹ thu được trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang của nước này tiến nhanh tới mức 1.000 tỉ USD hơn so với thời điểm mà các nhà kinh tế dự báo. Nguyên nhân được cho là nằm ở chính sách cắt giảm thuế do Tổng thống Donald Trump khởi xướng và đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017.

Thu thuế doanh nghiệp thấp kỷ lục

Tháng 12 năm ngoái, dự luật cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây ở Mỹ đã được Quốc hội nước này thông qua. Đây được xem là thắng lợi pháp lý quan trọng nhất mà ông Trump đạt được trong vòng 11 tháng sau khi nhậm chức, giúp ông hiện thực hóa được cam kết được đưa ra từ khi tranh cử. Theo luật này, thuế doanh nghiệp của Mỹ đã được giảm mạnh từ mức 35% xuống chỉ còn 21%. Bên cạnh đó, các công ty của Mỹ cũng được khấu trừ ngay lập tức tiền thuế đối với nhiều khoản đầu tư mới. 

Chính phủ Mỹ cho rằng việc cắt giảm thuế về lâu dài sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ, từ đó đưa đến nguồn thu lớn hơn. Tuy nhiên, theo New York Times, các con số thống kê cho thấy nguồn thu của chính phủ liên bang của Mỹ đang giảm đi đáng kể so với thời điểm trước khi thực hiện cải cách thuế. 

Nhà Trắng trong những tuần gần đây cũng đã thừa nhận thâm hụt ngân sách liên bang đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với dự đoán của chính phủ. Văn phòng quản lý ngân sách liên bang của Chính phủ Mỹ hồi đầu tháng cũng cho biết đã sửa dự báo được cơ quan này đưa ra hồi đầu năm, theo đó cho biết trong vòng 1 thập kỷ tới, khoản nợ của nước này sẽ tăng thêm 1.000 tỉ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 10 năm tới, mỗi năm ngân sách của Mỹ sẽ thâm hụt thêm 100 tỉ USD.

Để thấy rõ hơn được quy mô của vấn đề, cần nhắc lại là khi Đại suy thoái đạt đỉnh vào năm 2009, khi các công ty của Mỹ sa thải hàng trăm nghìn công nhân mỗi tháng, mức thu thuế doanh nghiệp của Mỹ đã giảm đến gần 1/3. Đây là mức giảm thuế lớn nhất tại Mỹ kể từ khi Bộ Thương mại của nước này bắt đầu thu thập dữ liệu về việc nộp thuế vào những năm 1940. 

Kể từ đó, thu thuế doanh nghiệp của Mỹ chưa khi nào chạm lại mốc trên, cho đến năm nay. Theo thống kê của Bộ Ngân sách Mỹ, kể từ tháng 1 cho đến tháng 6/2018, thu thuế doanh nghiệp của Mỹ đã giảm 1/3 so với cùng kỳ của năm trước đó. Còn theo số liệu liên bang, mức giảm này đã thấp kỷ lục trong vòng 75 năm trở lại đây. “Nếu chúng ta không thay đổi cách tính thuế, tổng thu của nền kinh tế đã tăng lên”, ông Kimberly A. Clausing – một giáo sư về kinh tế học tại trường Đại học Reed ở Portland, Oregon chuyên về thuế doanh nghiệp, cho hay.

Nguy cơ chính phủ đóng cửa lại hiện diện

Việc nguồn thu từ thuế giảm được dự báo sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới vấn đề chi tiêu. Luật Ngân sách của chính phủ được ông Trump ký hồi đầu năm 2018 sẽ hết hạn vào tháng 9 tới, thời điểm kết thúc của năm tài khóa hiện nay. Trước mốc thời gian tháng 9, với tình hình như hiện nay, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ không thông qua thêm một dự luật chi tiêu toàn diện nào nữa.

Thay vào đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa sẽ phải thúc đẩy thông qua một dự luật chi tiêu tạm thời để ngăn khả năng chính phủ Mỹ phải đóng cửa ở thời điểm chỉ còn 1 tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ. 

Khoản thu thuế doanh nghiệp của Mỹ trong nửa đầu năm ở mức thấp kỷ lục
 Khoản thu thuế doanh nghiệp của Mỹ trong nửa đầu năm ở mức thấp kỷ lục

Thêm vào đó, trong thời gian tới, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn. Bởi trong tuần qua, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ chi đến 12 tỉ USD để hỗ trợ các nông dân bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ với các nước. Các nhà sản xuất, ngư dân và nhiều nhóm khác bị ảnh hưởng bởi các biện pháp áp thuế trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ cũng đang yêu cầu được hỗ trợ. Tất cả những vấn đề này đều đang đặt ra nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho chính phủ.

Khi dự luật cắt giảm thuế được đưa ra tranh luận hồi năm ngoái, Chính phủ của ông Trump lập luận rằng khoản hụt thu do cắt giảm thuế sẽ được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh hơn của nền kinh tế. Chính phủ Mỹ lúc đó cho rằng các công ty của nước này sẽ sử dụng số tiền mà lẽ ra trước đó dùng để nộp thuế để đầu tư vào hoạt động kinh doanh, vào nguồn nhân lực. 

Về phía Chính phủ, ban đầu, chính phủ sẽ bị giảm nguồn thu nhưng về lâu dài sẽ được bù đắp bằng “một miếng bánh lớn hơn”. Song, việc giảm thuế ở thời điểm nền kinh tế Mỹ được đánh giá là phát triển ổn định nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế đã dấy lên những nghi ngại cho rằng thâm hụt ngân sách của Mỹ tới đây sẽ gia tăng mạnh mẽ nếu tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại. 

Bộ Tài chính Mỹ ngày 27/7 công bố dự báo về tăng trưởng quốc nội trong quý 2/2018, theo đó nhận định tăng trưởng kinh tế của Mỹ ước đạt 5%, là mức cao nhất kể từ năm 2014. Song, các nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại trong nửa sau của năm vì mức lãi suất cho vay tiếp tục gia tăng và căng thẳng thương mại đã bắt đầu tác động tới nền kinh tế. 

“Việc tính toán doanh thu ổn định từ sự tăng trưởng không chắc chắn là không khôn ngoan, đặc biệt là khi những tính toán đó lờ đi đe dọa rất thật rằng kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại và chúng ta có thể rơi vào suy thoái theo một cách rất dễ bị tổn thương”, bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban ngân sách liên bang có trách nhiệm ở Washington, nhận định.

Tuy nhiên, các quan chức trong Chính phủ Mỹ đã bác bỏ những lo ngại như vậy. Họ cho rằng các hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn rất mạnh mẽ. “Tăng trưởng kinh tế trong quý 2 dự kiến sẽ giúp tăng trưởng 4 quý lần đầu tiên trong 13 năm trở lại đây đạt trên 3%. Đó là mức tăng trưởng mà không ai có thể nghĩ tới được”, ông Kevin A. Hassett, Chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, nói. Ông Hassett cũng cho rằng tác động tích cực về nguồn thu của việc tăng trưởng cao hơn là tác động về lâu dài nên việc doanh thu từ thuế giảm trong năm nay là điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Khả năng lách luật

Theo chính phủ Mỹ, luật thuế mới của nước này đã chứng minh được lợi ích cho các công ty của Mỹ, thể hiện ở việc lợi nhuận của các doanh nghiệp sau thuế đã ở mức cao nhất từ trước đến nay. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng luật mới, với việc thay đổi mức thuế với các công ty đa quốc gia của nước này, đã thúc đẩy làn sóng “hồi hương” của các công ty, tức việc các công ty chuyển tiền về Mỹ sau một thời gian đưa ra nước ngoài đầu tư để tránh các khoản thuế của Mỹ.

Theo thống kê của Bộ thương mại Mỹ, trong nửa đầu năm 2018, các công ty đa quốc gia của nước này đã chuyển 306 tỉ USD vốn về nước, cao hơn mức trung bình 270 tỉ USD cùng kỳ của 5 năm trước. Nhà Trắng cho rằng đó là tín hiệu cho thấy luật thuế mới của nước này đang đem lại hiệu quả tích cực.

Trái lại, các nhà phân tích cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy việc các công ty chuyển tiền về nước thúc đẩy hoạt động kinh tế Mỹ. Theo một số nhà phân tích, các điều khoản cho phép các công ty có thể xóa bỏ những khoản đầu tư mới được liệt kê ra để hưởng khấu trừ thuế bất cứ lúc nào cũng có nghĩa là chính phủ sẽ mất nhiều nguồn thu hơn, đặc biệt trong ngắn hạn.

Cùng với đó, các công ty đa quốc gia cũng có thể chỉ chuyển tiền về Mỹ trên giấy chứ không phải bằng những những dự án chuyển dịch hoạt động thực sự về nước để hưởng lợi thế từ việc giảm thuế. “Luật thuế mới đang có tác dụng ở việc giúp các cổ đông có thể tiếp cận tiền của họ ngay lập tức nhưng việc tiền đó có chuyển thành các đầu tư hay không lại là một câu hỏi rất khác”, bà Kyle Pomerleau, một nhà kinh tế tại Tổ chức Thuế ở Washington, nhận định.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE) cũng đã cảnh báo việc Chính phủ Mỹ sử dụng biện pháp cắt giảm thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ không còn hiệu quả vào năm 2019 và làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế số 1 thế giới rơi vào suy thoái năm 2020.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) trong báo cáo phát đi hồi tháng 4 cũng nhận định thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng hơn 20% trong năm nay và vượt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020, chủ yếu do cải cách thuế trị giá 1.500 tỉ được thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.