Hãy bắt đầu từ ASIAD

Thể thao Việt Nam đã đứng đầu SEA Games và cần tiến xa ở ASIAD. (Nguồn: Cục TDTT)
Thể thao Việt Nam đã đứng đầu SEA Games và cần tiến xa ở ASIAD. (Nguồn: Cục TDTT)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành tích thể thao Việt Nam tại ASIAD không có nhiều tiến bộ rõ rệt ở khu vực. Tại ASIAD 19, chúng ta xếp thứ 6 ở Đông Nam Á. Vậy muốn có huy chương tại Olympic, việc trước mắt phải cải thiện thành tích ở châu Á.

Chúng ta đã từng thua kém bạn bè ở SEA Games và bây giờ đã đứng đầu Đông Nam Á, nhưng với ASIAD, chúng ta còn quá khiêm tốn, thậm chí còn chậm phát triển. Vậy muốn tiến xa hãy nhìn ra bản chất để vươn xa hơn.

Tại ASIAD 19 của thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á, sau Thái Lan (12 HCV, hạng 8), Indonesia (7 HCV, hạng 13), Malaysia (6 HCV, hạng 14), Philippines (4 HCV, hạng 17) và cả Singapore (hơn Việt Nam 1 HCB, hạng 20). Tức ra đấu trường châu lục, thể thao Việt Nam chỉ tương đương Singapore, Myanmar ở khu vực.

Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, cuối tháng 12/2023, một hội nghị quy mô đã được tổ chức, với chủ đề “Vươn tầm ASIAD - Khát vọng Olympic” nhằm định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt đã thẳng thắn nhìn nhận, dù thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 31, 32 nhưng thành tích ở ASIAD, Olympic thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của người hâm mộ. Đây là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại và tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.

Lộ trình để thực hiện cho việc vươn tầm ASIAD và khát vọng Olympic được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2024 - 2026 với nhiệm vụ cụ thể là xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2024, 2028, các kỳ SEA Games từ năm 2025 - 2030; đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển bền vững. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2027 - 2030 sẽ là tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các kỳ Đại hội từ năm 2027 - 2030.

Thực ra, ngành Thể thao đã nhìn thẳng vào thực tế đồng thời tìm ra giải pháp để thực hiện cho mục tiêu vươn tầm ASIAD, khát vọng Olympic. Nhưng có được thành tích ở những đấu trường lớn như châu Á hay Olympic không hề dễ dàng.

Ông Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao”.

Nhiều nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines đã từng đăng cai ASIAD. Có lẽ đây cũng là phương án mà ngành Thể thao Việt Nam nên nghĩ tới bởi nó sẽ là bước đệm để chúng ta thoát khỏi vùng trũng, như chúng ta đã từng vươn lên tại SEA Games. Muốn huy chương ở Olympic chúng ta phải có nền tảng tốt ở châu Á trước đã.

Đọc thêm

Không gọi “công thần”, ông Kim Sang Sik đã đúng?

HLV Kim Sang Sik
(PLVN) - HLV Kim Sang Sik đã công bố 30 nhân sự dự AFF Cup 2024. Bản danh sách này đang dấy lên những tranh luận, hoài nghi khi ông mạnh mẽ loại bỏ Hùng Dũng, Quế Ngọc Hải và đặc biệt cầu thủ đang có phong độ cao Công Phượng.