Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thăm hỏi, tặng quà làng trẻ SOS tại TP. Đồng Hới. |
Nhiều chương trình giảm nghèo đã được các cấp, các ngành lồng ghép hiệu quả như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới (NTM)... Đây là "đòn bẩy" giúp các địa phương nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo.
Điển hình như tại thị xã Ba Đồn, căn cứ vào kế hoạch xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2026, thị xã đã chỉ đạo các xã, phường tổ chức khảo sát, điều tra hộ nghèo theo cách tiếp cận mới, đảm bảo công khai, dân chủ, từ đó xây dựng lộ trình thoát nghèo cho từng hộ.
Ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã kịp thời ban hành, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và giao chỉ tiêu cho các xã, phường. Các chương trình, dự án giảm nghèo phải luôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của địa phương, lấy kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo thành tiêu chí thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các địa phương, cơ sở và cán bộ, đảng viên hàng năm.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH (thứ 4 từ phải sang) trao tiền xây nhà tình nghĩa cho bà Hoàng Thị Nhỏ, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. |
Thị xã cũng chú trọng lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với chương trình giảm nghèo, đồng thời huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn thị xã lên hơn 50%, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn giảm giảm 188 hộ (giảm 0,67%/kế hoạch 0,56%), cận nghèo giảm 218 hộ (giảm 0,81%/kế hoạch 0,41%).
Hay như tại huyện Quảng Trạch, việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình như: Đề án giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ y tế, giáo dục, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... đã được huyện chú trọng. Đồng thời, huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT và học tập kinh nghiệm sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Tỉnh Quảng Bình đã dành mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. |
Nhờ cách làm trên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Quảng Trạch đã giảm đáng kể. Nếu như đầu năm 2022, toàn huyện có 2.310 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,91%); hộ cận nghèo 2.129 hộ (chiếm tỷ lệ 6,36%), thì đến hết tháng 12/2022, số hộ nghèo giảm xuống còn 1.751 hộ, tương ứng với 5,19%; số hộ cận nghèo còn 1.609 hộ, tương ứng với 4,77%.
Theo báo cáo của Sở Lao động - TB&XH, năm 2022 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 21.000 LĐ (đạt 116,67% kế hoạch), trong đó có khoảng 4.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 108% KH). Hầu hết người lao động chủ yếu đi làm việc tại thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và một số nước châu Âu. Nhờ thế, tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 2,9%. Nhiều lao động được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi này đã có khoảng 6.200 lao động được hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.
Tỉnh Quảng Bình huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để có giải pháp giảm nghèo bền vững. |
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động - TB&XH Quảng Bình cho biết: Từ nguồn ngân sách TW hỗ trợ 57.229 triệu; nguồn ngân sách địa phương đối ứng 8.238 triệu đồng, phân bổ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022; ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho 8 huyện, thị xã, thành phố có hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nguồn vốn đúng kế hoạch, tiến độ. Ngoài số tiền này, tỉnh đã huy động xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều địa phương cũng làm tốt công tác vận động, kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, cho thấy sức lan tỏa của chính sách. Do đó, việc thực hiện đồng bộ các chính sách, nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội của Quảng Bình đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh có 16.657 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,52% và 13.731 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,38% tổng số hộ toàn tỉnh. Kết quả đến 31/12/2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,0% (đạt kế hoạch đề ra) với tổng số hộ nghèo còn lại là 12.855 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 4,76% với số hộ cận nghèo còn lại là12.250 hộ.
Huyện miền núi Tuyên Hóa khởi sắc từng ngày. |
Bước sang năm 2023, tỉnh Quảng Bình phấn giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.045 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.810 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.285 hộ, số hộ nghèo còn lại là 10.963 hộ; 100% người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được cấp, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; 100% người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu phù hợp tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được vay vốn tín dụng ưu đãi, 100% lượt học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo...
Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành trong tỉnh Quảng Bình, tin rằng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống 2,5% và mọi người nghèo đều được hưởng các chính sách an sinh xã hội.