Ga Sindorim thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 và 2 đông kín người hôm 7/11. Ảnh: Yonhap
Theo tờ Korea Times, mối nguy hiểm tiềm tàng trên các tuyến tàu điện ngầm chật cứng người đã được chú ý tới sau vụ tai nạn đám đông chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc vào đêm 29/10, khiến 156 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Nhiều người dân vô cùng lo lắng khi hàng ngày phải đi trên những chuyến tàu điện ngầm chật chội vào các giờ cao điểm, nơi mọi người thường chèn ép nhau đến mức không thể di chuyển. Một phân tích gần đây của SK Telecom cho biết mật độ trung bình trên tuyến tàu điện ngầm giữa các ga Guro và Guil vào khoảng 6 giờ 40 phút chiều là 252%. Điều này có nghĩa là có khoảng 403 hành khách trên chuyến tàu, cao hơn 2,5 lần so với sức chứa 160 người của con tàu.
Hành khách đi làm bằng tàu điện ngầm đã so sánh cảnh tượng chen chúc này giống như địa ngục, khi họ thường xuyên bị dồn ép sát nhau. Thậm chí, nhiều vụ xô xát hoặc tranh cãi thường xảy ra khi mọi người cố chen lấn để vào trong hoặc ra khỏi đoàn tàu, một số người bị nhỡ điểm xuống tàu vì quá đông.
“Tàu điện ngầm ở Seoul chật cứng đến mức có thể dẫn đến khó thở hoặc hoảng loạn cho một số hành khách. Nhưng chúng ta đã quen với cảnh tượng đông đúc này trong cuộc sống hàng ngày”, ông Park Cheong-woong, Giáo sư quản lý an toàn tại Đại học Sejong Cyber cho biết.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đã đề xuất các giải pháp như thông báo cho hành khách về mật độ của từng chuyến tàu, hạn chế lượng hành khách từ cổng để giải quyết tình trạng đông đúc trên tàu điện ngầm ở Seoul trong giờ cao điểm.
Bắt đầu từ tuần trước, các cơ quan giao thông vận tải đã triển khai nhân viên an ninh tại các ga tàu điện ngầm để kiểm soát đám đông. Nhưng biện pháp tạm thời này, chỉ áp dụng đến cuối năm nay, đã nhận được phản ứng trái chiều từ những người thường xuyên lựa chọn tàu điện ngầm làm phương tiện di chuyển.
Ga Gimpo thuộc tuyến tàu điện ngầm số 9 đông nghịt hành khách hôm 3/11. Ảnh: Yonhap
Nhân viên văn phòng họ Lee – 30 tuổi, người thường đi trên tuyến tàu điện ngầm số 1 và số 2 bằng cách chuyển tuyến tại ga Sindorim, một trong những điểm dừng đông đúc nhất – cho biết: “Thành thật mà nói, các nhân viên an ninh mà tôi đã thấy hầu hết chỉ đứng gần cầu thang, điều này hơi đáng lo ngại. Đôi khi, họ ngăn hành khách lên tàu nếu quá đông đúc, nhưng có vẻ đây không phải là giải pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng quá tải”.
Ông Yu Jeong-whon, Giáo sư về kỹ thuật hệ thống giao thông tại Đại học Ajou, nói rằng việc kiểm soát lượng hành khách ở cổng tàu điện ngầm có thể giúp giảm bớt mật độ người trên sân ga.
“Thay vì cố gắng quản lý đám đông trên tàu, hạn chế số lượng người sử dụng tàu điện ngầm đi qua cổng khi mật độ đạt đến một mức nhất định trên sân ga có vẻ là một ý tưởng hiệu quả hơn”, ông nói và cho biết thêm rằng chính quyền thành phố nên cân nhắc cung cấp cho hành khách thông tin thời gian thực về mức độ đông đúc của mỗi toa trước khi tàu đến ga. Điều này có thể hạn chế tình trạng quá nhiều người lên cùng một toa.
“Về lâu dài, nhà chức trách nên cố gắng giảm thiểu số lượng người sử dụng tàu điện ngầm bằng cách đưa ra các phương án vận chuyển thay thế bằng cách phát triển các tuyến xe buýt hiệu quả hơn”, ông đề xuất thêm
Lee Young-joo, Giáo sư khoa phòng chống thảm hoạ và hỏa hoạn tại Đại học Seoul, cho rằng không có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để tình trạng đông đúc trên tàu điện ngầm.
“Việc điều động nhân viên an ninh đến các ga để giám sát rất có ý nghĩa, vì điều đó đưa ra tín hiệu cho người dân rằng họ nên lên và xuống tàu một cách có trật tự. Nhưng không có một giải pháp đơn giản nào để giải quyết tình trạng trạng đông đúc trên các chuyến tàu điện ngầm. Đây là cũng vấn đề nan giải ở mọi thành phố đông dân trên thế giới”, ông nói.
Ông Lee cũng đề xuất rằng các cơ quan giao thông vận tải nên quản lý lịch trình dừng đỗ một cách chặt chẽ để hai chuyến tàu không dừng ở một điểm cùng lúc, điều này thường dẫn đến tình trạng quá tải trên các sân ga hẹp.
“Đồng thời, việc nâng cao ý thức an toàn cho hành khách đi tàu điện ngầm cũng rất quan trọng. Lên và xuống tàu điện ngầm một cách có trật tự, không chen chúc vào những chuyến tàu quá chật chội và không xô đẩy người khác trên cầu thang sẽ giảm đáng kể nguy cơ tai nạn có thể xảy ra”, ông Lee nói thêm.