Tính đến cuối tháng 5, lượng đường tồn kho đã lên tới 367.540 tấn, trong khi, đề xuất ứng vốn cho doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ đường để “cứu” giá mía lại bị “bác”.
Ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Niên vụ mía đường năm 2011 – 2012, nước ta đã đạt sản lượng đường cao nhất với 1,35 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, do khó khăn của nền kinh tế đã làm sức mua giảm, dẫn đến lượng đường tồn kho lớn, nên các nhà máy đang phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng trực tiếp tới người trồng mía do DN giảm thu mua”.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cám cảnh: “Hiện giá đường đã giảm từ 18.000 đồng xuống 16.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 14.000 đồng/kg. Hơn nữa, năm nay do cả Thái Lan và Ấn Độ đều được mùa mía, dự kiến Thái Lan có khoảng 7 triệu tấn và Ấn Độ 4 triệu tấn đường dành cho xuất khẩu.
Trong khi đó, các DN xuất khẩu đường của Thái Lan lại không phải chịu thuế nên giá đường xuất sang Việt Nam rẻ hơn đường của các nhà máy trong nước sản xuất rất nhiều. Thêm nữa, một số DN tạm nhập, tái xuất (nhập đường Thái Lan để xuất sang Trung Quốc) có thể đưa lượng đường đó vào thị trường trong nước, gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ của các DN mía đường”.
Vào thời điểm này, tại các vùng nguyên liệu mía, như Thanh Hóa, giá mía đang xuống rất thấp, nhiều nông dân không bán được mía. Ông Lê Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn nói thẳng, nếu không có chính sách hỗ trợ DN thu mua tạm trữ đường, công ty phải giảm giá thu mua mía, tất nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ dân sống bằng nghề trồng mía.
Hiện tại, doanh nghiệp này đang mua mía với giá 1,2 triệu đồng/tấn mía nguyên liệu loại 10 chữ đường (hồi đầu năm là 1,8 triệu đồng/tấn), nhưng “nếu trong thời gian tới giá đường vẫn giảm thì chúng tôi phải điều chỉnh lại giá thu mua mía nguyên liệu, có thể giá sẽ thấp hơn” – ông Tam không giấu diếm.
Trước tình hình này, từ tháng 3/2012, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho các DN sản xuất mía đường vay 3.200 tỷ đồng, với lãi suất 0% trong 3 tháng để tạm trữ 200.000 tấn đường và xuất khẩu 100.000 tấn. Tuy nhiên, mới đây Bộ Công Thương lại có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị “bác” đề xuất này của Bộ NN&PTNT. Lý do mà Bộ Công Thương đưa ra là các DN sản xuất đường hiện đã bớt khó khăn khi lãi suất ngân hàng giảm, đồng thời mức tiêu thụ trong nước tăng khoảng 90% so với tháng 3 và 200% so với cùng kỳ 2012. Bộ này dự báo, xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới...
Vì thế, không chỉ đề nghị Thủ tướng “bác” kế hoạch mua tạm trữ, bộ này còn đề nghị không cho xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới với số lượng 100.000 tấn như Bộ NN&PTNT đề xuất.
Chuyện xẩy ra như vậy, nhưng mới đây, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc bộ này vẫn nói rằng không có chuyện bất đồng giữa hai bộ, việc điều hành mặt thị trường mía đường luôn tuân thủ theo quan điểm đảm bảo lợi ích của DN, người sản xuất, ổn định thị trường, tuân thủ cam kết WTO. Ông Chiến nói rằng, chỉ có khác là đề xuất của hai bộ xuất phát vào hai thời điểm khác nhau, với lượng tồn kho khác nhau, giá cũng khác nhau.
Ngày 28/5/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 3760 gửi các Bộ NN&PTNT, Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo không hỗ trợ lãi suất vay để mua tạm trữ đường, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công thương. Dẫu sao, một thực tế không thể phủ nhận là, kể cả có hay không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cơ quan quản lý, thì thiệt hại nếu có cuối cùng cũng đổ lên đầu người trồng mía mà thôi.
Mai Hoa