Trước thông tin bão số 4 tăng tốc, di chuyển lệch xuống phía Nam, dự kiến chiều tối nay sẽ đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị với gió giật cấp 10. Công tác phòng, chống bão tại Hà Tĩnh đang triển khai một cách khẩn trương. Công điện số 9 về việc phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 4 năm 2017 cũng đã được tỉnh phát đi.
Sau khi nắm được diễn biến tình hình bão số 4, đơn vị chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về cập bến, neo đậu vào vị trí an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện đến các UBND Tỉnh và các huyện, thủ trưởng các sở, bằng mọi biện pháp, thông tin kịp thời đến các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để vào nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão.
Tỉnh Hà Tĩnh ban hành lệnh cấm biển từ 18 giờ ngày 24/7, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi và đặc biệt là việc quản lý neo đậu các tàu, thuyền tại các khu neo đậu và bến cảng, không để xảy ra tình trạng sóng đánh va đập chìm tàu.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hà Tĩnh cho biết: Lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển cập bến an toàn. Hướng dẫn sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn với các tàu, thuyền đã về neo đậu. Nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch cấm ra khơi.
Công tác "đón" bão được chuẩn bị kỹ lưỡng |
Theo đó, tại huyện Lộc Hà, xã Xuân Hội có 97 thuyền (gồm 26 thuyền xa bờ và 81 tàu nhỏ), Cửa Sót có 309 thuyền (có 25 cái ngoại tỉnh), Cửa Nhượng có 78 tàu, thuyền (trong đó 9 thuyền ngoại tỉnh) đều cập bến an toàn. Còn một số tàu, thuyền khác đang trên đường về tránh báo. Trong đó, có 4 tàu đang hướng dẫn vào khu trú bão tại đảo Bạch Long Vĩ, 2 phương tiện ở Cát Bà.
Đồng thời, các địa phương chủ động có kế hoạch sơ tán người dân trên các phương tiện tàu, thuyền nơi neo đậu, trên các lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây…
Chủ tịch các huyện thị, các công ty thủy lợi vận hành các hệ thống tiêu thoát lũ để chủ động tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn. Các huyện miền núi tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai các phương án ứng phó; cử người canh gác không để người dân đi lại ở các vùng nguy hiểm.
Tại TP.Hà Tĩnh, lực lượng quản lý đô thị đã chuẩn bị xe cộ, máy móc chặt cây, chằng néo nhà cửa cho người dân tránh bão lớn. Tại các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang tránh xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.