Hà Nội ơi, hãy lắng nghe 'tiếng lòng' của gấu

Cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hộ dân.
Cá thể gấu bị nuôi nhốt tại hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội đã và đang tiếp tục là điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam với 149 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, chiếm 51% tổng số gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước…

Việt Nam đã có những bước tiến dài, nhưng Hà Nội đang tụt hậu

Hành trình chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được triển khai 17 năm qua. Vào năm 2005, hơn 4.300 cá thể gấu đã được đăng ký và gắn chíp quản lý nhằm ngăn chặn việc gấu mới phát sinh tại các cơ sở. Từ đó, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực để chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Cho tới thời điểm hiện nay, 40 tỉnh/thành phố trên cả nước đã không còn gấu nuôi nhốt, và cả nước chỉ còn 294 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân.

Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm “Tình trạng nuôi nhốt gấu ở thủ đô Hà Nội” do Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam (bao gồm Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV; Four Paws; Tổ chức bảo vệ động vật thế giới) tổ chức ngày 30/05/2022 vừa qua tại Hà Nội.

Cũng tại tọa đàm, với mục đích kêu gọi UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ và các cơ quan có liên quan khẩn cấp và quyết liệt hành động để tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô, một con số khó tin nhưng có thật đã được đưa ra. Đó là Hà Nội tiếp tục là điểm nóng lớn nhất về nuôi nhốt gấu tại Việt Nam với 149 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân, chiếm 51% tổng số gấu đang bị nuôi nhốt trên cả nước.

Số gấu đang bị nuôi nhốt ở huyện Phúc Thọ - điểm nóng về nuôi nhốt gấu của Hà Nội - chiếm 93% trên tổng số cá thể gấu bị nuôi nhốt ở Hà Nội và chiếm 43% trên tổng số cá thể gấu bị nuôi nhốt ở Việt Nam, theo con số do ông Gillbert Sape - Giám đốc Chiến dịch toàn cầu về động vật hoang dã, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới đưa ra tại tọa đàm.

Cũng theo ông Gillbert Sapeb một số cá thể gấu ở Phúc Thọ vẫn tiếp tục có vết thương ở vùng bụng, cho thấy việc trích hút mật gấu vẫn đang diễn ra. “Năm 2016 khi đến một cơ sở nuôi nhốt gấu ở Phúc Thọ mới biết có tới hơn 20 con gấu, có con đã hơn sống hơn 15 năm trong lồng nhỏ vài mét vuông, nhiều con rụng lông, móm răng. Chủ cơ sở cho biết nuôi không phải mục đích thương mại mà chỉ để làm cảnh, bảo tồn. Tôi nghĩ không ai nuôi tới 20 con gấu để làm cảnh. Ở đây có sự nhập nhèm giữa nuôi nhốt gấu vì mục đích thương mại. Những hộ nuôi nhốt gấu với số lượng lớn nhiều khả năng để lấy mật. Có những cá thể gấu được gắn chip quản lý từ năm 2005 nhưng đến năm 2021 cá thể đó vẫn bị nuôi nhốt và chưa được chủ nuôi chuyển giao, đó là chưa nói đến những cá thể đã chết vì tình trạng vệ sinh không đảm bảo, nhiễm trùng trong quá trình nuôi nhốt. Điều này cho thấy tư duy của người chủ nuôi gấu và người có nhu cầu sử dụng mật gấu để từ đó tạo ra nguồn cung chưa có nhiều sự biến chuyển, thay đổi” – ông Gillbert Sape nhận định.

Tại sao lại là Hà Nội?

Câu hỏi này không chỉ được nhiều nhà báo đặt ra trong buổi tọa đàm mà còn là câu hỏi làm đau đầu các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam bấy lâu nay.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV nhấn mạnh: “Là niềm tự hào của cả nước, Thủ đô Hà Nội đáng ra cũng phải là tấm gương cho các địa phương khác về nỗ lực chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Tuy nhiên, thật đáng buồn là Hà Nội lại đang bị bỏ lại phía sau trong khi rất nhiều chuyển biến tích cực thể hiện nỗ lực chấm dứt nuôi nhốt gấu đã được ghi nhận tại các địa phương khác trên cả nước”.

Cũng theo sự phân tích của bà Hà tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Hà Nội trở nên phổ biến và khó giải quyết vì những nguyên nhân như: Hà Nội là nơi có tập trung các chủ nuôi có tiềm lực kinh tế mạnh vì giá thành mua một cá thể gấu cũng như chi phí nuôi dưỡng rất cao; nhu cầu sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu ở Hà Nội cao hơn các địa phương khác nên nguồn cung luôn duy trì để đáp ứng cầu… Bằng chứng là ngày 27/5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một chủ nuôi nhốt gấu có đăng ký ở huyện Phúc Thọ kèm 350 lọ mật gấu. Đây là số lượng mật gấu bị bắt giữ lớn nhất cả nước từ trước đến nay, chủ cơ sở phải đối diện với mức án 5 năm tù.

“Hiện hộ nuôi nhiều nhất là 18 con gấu, với số lượng này thì khó có thể nói là nuôi thú cưng mà phải có yếu tố thương mại vì mỗi ngày để nuôi một con gấu phải mất khoảng 100.000 đồng tiền thức ăn”, Thiếu tá Nguyễn Xuân Tùng - Phó phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP. Hà Nội cho biết. Hiện cơ quan công an đang nghiên cứu để tham mưu cho UBND TP Hà Nội đưa ra quy định để kiểm soát hoạt động nuôi nhốt gấu thuận tiện hơn.

“Đã tới lúc Thủ đô cần có giải pháp quyết liệt để sớm đóng cửa các cơ sở nuôi nhốt gấu trên địa bàn nhằm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp” - bà Bùi Thị Hà nhấn mạnh.

Ông Gilbert Sape chia sẻ: “Kể từ năm 2005, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng như Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt ngành công nghiệp nuôi nhốt gấu lấy mật tại đây. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã cho thấy nỗ lực đáng khích lệ nhưng rất tiếc chúng tôi lại không nhận thấy những chuyển biến tích cực như vậy ở Hà Nội. Chấm dứt nuôi nhốt gấu lấy mật ở Hà Nội là bước đi quan trọng để có thể chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam”.

Tháng 1/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ra Chỉ thị yêu cầu các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội cần nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã trên địa bàn thành phố. Chỉ thị cũng đặc biệt chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ, nơi vốn là một điểm nóng về nuôi nhốt gấu – hiện có 139 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các cơ sở tự nhân, chiếm khoảng 93% tổng số gấu nuôi nhốt tại Hà Nội - tăng cường kiểm tra hoạt động nuôi nhốt gấu ở tất cả các cơ sở trên địa bàn. Chỉ thị cho thấy quyết tâm của chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu kéo dài suốt nhiều năm qua.

“Tuy nhiên, Chỉ thị này sẽ không có giá trị nếu thiếu sự cam kết và các giải pháp cụ thể từ phía UBND huyện Phúc Thọ để có thể xóa sổ ngành công nghiệp trích hút mật gấu vẫn đang tồn tại ở địa phương này như các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh”, theo bà Hà.

Kinh nghiệm nào cho Hà Nội?

Là một quốc gia châu Á, Hàn Quốc cũng là một quốc gia đã từng có nhiều cá thể gấu bị nuôi nhốt và trích hút lấy mật. Sau hai thập kỷ vận động cùng Green Korea United, một đối tác địa phương, từ nhận thức việc nuôi gấu lấy mật là việc làm tàn nhẫn và đe dọa đến danh tiếng quốc gia, vào tháng 1/2022, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận chung với Hiệp hội chủ gấu và các tổ chức bảo vệ động vật chủ chốt tại địa phương, cam kết chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật vào ngày 1/1/2026.

Được biết, để đạt được thành công này, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới đã tiến hành một loạt các biện pháp như: đàm phán và thỏa thuận với Hiệp hội chủ gấu và Chính phủ Hàn Quốc để tiến hành triệt sản gấu lấy mật, nhằm đảm bảo đây sẽ là thế hệ gấu cuối cùng bị nuôi nhốt lấy mật; Thường xuyên kiểm tra trang trại; Tăng cường luật pháp và chính sách; Thực hiện các chiến dịch vận động công chúng và hoạt động truyền thông… Hiện tại, nhờ các biện pháp đồng bộ này, mọi người dân Hàn Quốc đầu nhận thức đươc rằng người có hành vi nuôi nhốt gấu trái phép sẽ bị phạt tù và phạt tiền và Hàn Quốc đang xây dựng hai khu bảo tồn để nuôi nhốt những cá thể gấu còn lại (khoảng 369 cá thể gấu tại các cơ sở nuôi nhốt).

Không nói đâu xa, tỉnh Quảng Ninh từng nổi tiếng bởi hai tệ nạn nhức nhối là buôn lậu than và nuôi gấu lấy mật, thì nay đã xóa sổ hoàn toàn được nạn nuôi nhốt gấu. Bên cạnh hành trình thuyết phục người dân giao nộp cá thể gấu đầy gian nan nhưng kiên quyết, các cơ quan chức năng căn cứ trên các chứng cứ được thu thập được về việc các trang trại chích hút và bán mật gấu trái phép cho du khách du lịch, để từ đó nghiêm cấm tuyệt đối các tuyến du lịch đến các trang trại nuôi gấu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tổ chức giám sát 24/7 tại các trang trại này để đảm bảo chặt đứt nguồn nhu cầu mua mật gấu từ khách du lịch…

Từ những kinh nghiệm trên có thể thấy Hà Nội hoàn toàn có thể sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, nếu như có sự quyết tâm thống nhất từ trên xuống dưới của cả bộ máy chính quyền.

Trong buổi tọa đàm, Nhóm các tổ chức bảo vệ gấu tại Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp hiệu quả gửi đến chính quyền thành phố Hà Nội để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật ở Thủ đô như: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở nuôi nhốt gấu; Kiên quyết xử lý các vi phạm về gấu và tịch thu các cá thể gấu nuôi nhốt trái phép tại các cơ sở; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm nghiêm trọng về gấu; Nghiêm cấm tình trạng cho gấu sinh sản tại các cơ sở tư nhân; Vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu lại cho Nhà nước và đảm bảo chặt chẽ chính sách “không bồi hoàn” cho chủ cơ sở nuôi trong mọi trường hợp; Khuyến khích sử dụng thảo dược và giải pháp thay thế khác nhân đạo hơn thay vì sử dụng mật gấu…

Hy vọng rằng, cùng với sự hỗ trợ và các hành động quyết liệt từ UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Phúc Thọ, Hà Nội hoàn toàn có cơ hội trở thành địa phương tiếp theo không còn nuôi nhốt gấu trong vài năm tới.

“Gấu là sinh vật có tri giác. Việc các cá thể gấu phải chịu đựng sự đau khổ tột cùng về thể xác và tinh thần khi bị nuôi nhốt và trích hút lấy mật là không thể chấp nhận được và phải dừng lại” . Ông Gillbert Sape - Giám đốc Chiến dịch toàn cầu về động vật hoang dã, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới.

“Gấu là sinh vật có tri giác. Việc các cá thể gấu phải chịu đựng sự đau khổ tột cùng về thể xác và tinh thần khi bị nuôi nhốt và trích hút lấy mật là không thể chấp nhận được và phải dừng lại” .

Ông Gillbert Sape - Giám đốc Chiến dịch toàn cầu về động vật hoang dã, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới.

Đọc thêm

Hành động vì khí hậu sau COP29: Hành trình mới và cam kết mạnh mẽ

COP29 đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. (Ảnh: UNFCCC)
(PLVN) - Hội nghị lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với việc thông qua Khuôn khổ thị trường carbon toàn cầu. Đây được coi là một thành tựu đáng kể, mở ra cơ hội cho việc giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả hơn về mặt chi phí. Tuy nhiên, bên cạnh những hứa hẹn, thị trường carbon toàn cầu cũng đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để bảo đảm tính hiệu quả và công bằng.

Kiến nghị dừng dự án trồng và phục hồi rạn san hô ngoài biển Thừa Thiên Huế

Dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản ngoài vùng biển Thừa Thiên Huế; do một số khó khăn trong công tác xây dựng định mức và tình hình thời tiết tại địa phương.

Bão số 9 suy yếu dần, miền Bắc chuyển lạnh

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, cơn bão số 9 đang có xu hướng suy yếu dần. Trên đất liền, do tác động của không khí lạnh, khu vực Bắc Bộ đêm và sáng mai trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét...

Bão giật cấp 14 đổ bộ biển Đông

Dự báo vị trí,m hướng di chuyển của bão số 9. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) - 7h hôm nay 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, khu vực vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Trên đất liền, khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở khu Đông Bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng các nơi khác...

Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030

 Toàn cảnh Hội nghị.
(PLVN) -  Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân.