1. Khi bạn nói đủ rồi, bạn thường phải trải qua những lúc “quá đủ rồi”: đi quá nhiều rồi, yêu vậy đủ rùi, khổ đau vậy đủ rồi, tiền nhiều để làm gì, bận rộn để làm gì?… Khi bạn có quá nhiều thứ “quá”, chạm tay là tới một cách dễ dàng: sex, đồ ăn, sự lãng mạn, sự chảnh… ai có gì mình có đó, thậm chí nhiều hơn nữa “xem thiên hạ có trầm trồ”… Khi cuộc sống của chúng ta, từ lúc nào bỗng trôi qua bằng những thứ thời hạn, hạn chót cho một phần việc nào đó phải hoàn thành tuần tự theo ngày tháng năm. Và rồi, một lúc nào đó giật mình, 3 năm, 5 năm và nhiều hơn thế, một người đã từng làm ta đau khổ, hạnh phúc, nhớ mong… đã là người lạ!... Chúng ta không còn ngạc nhiên, bất ngờ khi một thời gian nào đó, chúng ta chợt nhận ra, cuộc sống không phải là sự bằng phẳng và không có công thức cố định! Cuộc sống chẳng thể rảnh rỗi và bình yên đến vậy! Nó cần những nỗi đau! Bởi thế, khi “quá đủ rồi”, chúng ta sẽ biết mỉm cười nhẹ nhõm! Cuộc sống quá ngắn ngủi cho những thứ không thuộc về ai đó, những điều ở ngoài niềm trìu mến của bạn…
Các bạn Tây vẫn nói rằng, người Việt họ có thể hết nguyên một buổi sáng để ăn sáng, cà phê, trà lá, hết nguyên một trưa và nhiều hơn thế để ăn trưa, hẹn hò buổi tối… Nhưng hãy nhìn họ trên đường, nóng vội và bấn loạn, họ có thực sự bận đến thế không? Dường như sự sùng bái bận rộn đòi hỏi chúng ta phải gánh vác nhiều hơn những gì chúng ta có thể chịu đựng hoặc phủ nhận sự mong manh thực sự của chúng ta, cho đến khi chúng ta thấy “quá” và muốn ở một mình trong tĩnh lặng… Khi chúng ta nhận ra sự ồn ào, bận rộn và phù phiếm! Để làm gì, khi chúng ta không thực sự vui…
2. Những ngày đơn giản, khi dường như không có gì xảy ra và khi chúng ta không hoàn thành được gì, những ngày mà người bận rộn sẽ coi là buồn tẻ và lãng phí… Thế nhưng, sẽ có người nhận ra, từ khung cửa sổ, chúng ta ngắm bình minh đang từ từ nhuộm màu bầu trời phía trên những ngôi nhà bên kia đường và dần tắt. Chúng ta sắp xếp tủ lạnh, gấp khăn trải giường, xếp chăn, ủi một vài chiếc khăn và sắp xếp chúng gọn gàng. Chúng ta sẽ xem xét tủ quần áo của mình và loại bỏ những bộ quần áo mà chúng ta đã không mặc trong nhiều năm. Cuối cùng, chúng ta cũng mang lại trật tự và hài hòa cho sự tồn tại của mình. Khi bé mọn với những công việc đơn giản, chúng ta dường như lùi lại, lặng thinh nhìn những điều đã qua, những điều đang ở đó, để bước tới mỗi ngày không háo hức, nhưng mãi mãi ngày mai là những điều bạn chưa biết. Tựa như khi trở về ngôi nhà của cha mẹ, hay ở miền thơ ấu, chúng ta nhận ra, đó là sân ga đầu tiên của cuộc đời. Từ sân ga ấy, chúng ta đi theo nhiều ngã rẽ, thênh thang, hạnh phúc hay những ngày bão tố, nhưng đều phải tự mình bước qua, không ai khác… Chúng ta ngắm nhìn những điều đó, trong một ngày mưa, ngày nắng, thậm chí là những ngày dài giãn cách, cùng những bản nhạc! Khi chúng ta biết đủ, ấy là bình yên.
Khi chúng ta nhận ra, thay vì cần tới yêu thương, hạnh phúc do người khác mang lại thì tự mình biết đâu là niềm vui, không biến hạnh phúc của mình thành trách nhiệm đặt lên vai bất kể là ai - dù người thân, con cái, bạn bè… Khi bạn có năng lực hạnh phúc tự thân thì hạnh phúc ấy sẽ bền lâu và thoáng đãng, những người xung quanh sẽ ấm áp, bình an… Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuộc sống vừa đáng sợ vừa tuyệt vời, xin hãy mỉm cười thật nhiều vì đó mới là cách thiền định tốt nhất để hạnh phúc! Chúng ta cần có những người có thể bình tĩnh, điềm nhiên sống - để thế giới của chúng ta không ngày càng trở nên nguy hiểm, ngày càng khó khăn để sống! Hãy cho nhau nụ cười, như trao tặng niềm vui sống!...
3. Vua hài Charlie Chaplin (1889-1977) là một diễn viên hài nổi tiếng trong kỷ nguyên phim câm thế kỷ 20. Ông mang lại tiếng cười cho nhân gian, nhưng cuộc đời của Charlie Chaplin lại nhiều niềm vui như mọi người nghĩ. Ông từng trải qua một tuổi thơ khốn khổ và nghèo đói đến mức nhà viết tiểu sử David Robinson đã gọi đường công danh của ông là “câu chuyện đổi đời kịch tính nhất trong lịch sử”. Khi nhớ lại tuổi thơ cơ cực, Chaplin cho biết: “Tôi hầu như chẳng bao giờ biết thế nào là khủng hoảng bởi tôi đã luôn sống trong khủng hoảng từ khi còn là một cậu bé. Tôi tự cho phép mình thoát ra khỏi mọi rắc rối bằng cách lãng quên chúng”…
Vậy nên, chính sự quên, sự hài hước để mỗi chúng ta bước tới mỗi ngày! Bởi càng đau buồn nhiều, càng bước đi trên những hành trình không rải hoa hồng, chúng ta càng biết mỉm cười nhiều hơn, vui nhiều hơn. Sự độ lượng, thương yêu và vị tha, có sức mạnh lớn hơn mọi điều vô nghĩa. Ai đó nói, người có đôi mắt hiền là người từng thấy những chuyện đắng cay trong cuộc sống nhiều hơn ai hết. Rồi nhờ đó, thấy được tình người phía sau những đắng cay… Người có đôi tay ấm là người đã từng chạm phải những giá lạnh của nhân gian rất nhiều lần. Rồi nhờ đó, biết cách giữ ấm cho đôi tay của mình và biết có người sẽ còn cần đến đó. Người có trái tim nhân hậu là người từng phải chịu nhiều tổn thương hơn kẻ khác, rồi nhờ đó, hiểu được người…
Có lẽ ai cũng phải chờ rất lâu, chờ ngày thuyết phục được lòng mình biết sợ những tháng năm phù phiếm, để dừng lại. Để khi chạm tim vào tĩnh lặng, để những giông gió trong cuộc đời không còn cuốn ai đi nữa. Để một lần đủ bình tĩnh thản ngồi nhìn lại những điều từng làm chúng ta điêu đứng, rồi mỉm cười. Và sự trưởng thành, đôi khi chỉ trong tích tắc, khi chúng ta phải đối diện với những ngã rẽ khác nhau. Suốt bao nhiêu năm tìm hoài không thấy, một hôm mới hay, bình yên ở ngay trong đáy mắt mình, bình yên ở trong tim mình, khi mọi lý lẽ, không còn quan trọng nữa… Như lời ca từ họ Trịnh “Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy/Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi”…