Giật mình sáng chế… của những 'ông vua chân đất'

Ông Phạm Văn Hát bên máy sáng chế của mình (ảnh Nguyên Ngọc).
Ông Phạm Văn Hát bên máy sáng chế của mình (ảnh Nguyên Ngọc).
(PLVN) - Chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không có nhiều sản phẩm đi vào thực tế như những “nhà khoa học chân đất”!

Trước nhận định này,  một nhà quản lý nói rằng: Đó là một cách nói cực đoan và gây tác dụng tiêu cực, đặc biệt làm ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, nguyện vọng của những người làm khoa học. Vị này dám chắc rằng, nếu Nhà nước giao cho các nhà khoa học, các cơ quan khoa học làm tàu ngầm, máy bay thì họ sẽ làm tốt hơn mô hình của người nông dân đang có rất nhiều... 

Nói như vậy hoàn toàn đúng, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã thẳng thắn đánh giá: Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất có lẽ chỉ khoảng vài ba phần trăm. Hay các kết quả nghiên cứu không có tính ứng dụng, nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học.

Hầu hết các đề tài nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ trong phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư... Mặc dù không phải là tất cả, nhưng các nhà quản lý khoa học nghĩ gì khi rất nhiều sáng chế khoa học “chân đất” khiến thế giới phải sửng sốt?... 

Nhận Huân chương như “cày xong thửa ruộng”

Mới đây, ông Trần Quốc Hải cùng con trai là Trần Quốc Thanh ở Tân Châu, Tây Ninh được Vương quốc Campuchia trao Huân chương Đại tướng quân, ghi nhận những đóng góp của hai người cho nền kỹ thuật của đất nước này.

Cha con ông cũng chính là những người chế tạo máy bay trực thăng một thời gian dài từng làm “nóng” các phương tiện thông tin đại chúng. Câu chuyện bắt đầu từ niềm đam mê, trong một lần sang Campuchia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, “hai lúa” Trần Quốc Hải thấy một số xe bọc thép (BRDM 2 do Liên Xô cũ sản xuất) không khởi động được bèn bỏ tiền túi (khoảng 25.000 USD) để sửa, kết quả chiếc xe được “cải lão hoàn đồng”, nhiên liệu tiêu hao ít hơn, tính năng chiến đấu cao hơn.

Sau thành công này, cha con ông Hải được giao sửa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác và nghiên cứu chế tạo một xe mới với những tính năng vượt trội... Ngoài ra, ông Hải còn chế tạo thành công máy trồng mỳ và máy chăm sóc mỳ. Khoảng 500 chiếc máy trồng mỳ do ông Hải chế tạo được nông dân khắp các vùng miền biết tiếng đặt mua trong suốt 3 năm trở lại đây.

Mới đây, một đoàn khách Campuchia đã tìm sang đặt mua máy trồng mỳ của ông Hải. Bởi thế, khi nhận tấm Huân chương Đại tướng quân với “hai lúa” cũng nhẹ nhàng như “cày xong thửa ruộng”, bởi ông làm tất cả vì niềm đam mê chứ không phải với mục tiêu nhận giải thưởng này khác…

Ông Trần Quốc Hải và con trai đã được đích thân Quốc vương và Thủ tướng Campuchia trao tặng bằng khen và huân chương Đại tướng quân bởi những đóng góp rất lớn cho đất nước này.
 Ông Trần Quốc Hải và con trai đã được đích thân Quốc vương và Thủ tướng Campuchia trao tặng bằng khen và huân chương Đại tướng quân bởi những đóng góp rất lớn cho đất nước này.

Và nữa, một nhà phát minh có thể được xếp vào loại tài năng nhất trong các nhà phát minh nông dân ở Việt Nam, từng được người Mỹ mời về làm việc với mức lương hơn trăm triệu mỗi tháng, đó là ông Phạm Văn Hát sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Dù chỉ học hết lớp 7, ông Hát đã chế tạo thành công máy rải phân đạt hiệu quả rất tốt khi thử nghiệm trên các cánh đồng ở Israel khi anh làm việc tại đây.

Ông được thưởng hơn 200 triệu đồng Việt Nam và sáng chế của ông được Chính phủ Israel ghi nhận, mua bản quyền sản xuất hàng loạt cho nông dân toàn quốc. Sau đó, ông Hát đã chế tạo thêm một số loại máy khác như máy dọn rau, máy cắt rau, cắt hành, máy phân chia luống… Ông được chủ tăng lương nhưng lúc đó thì ông quyết định quay về Việt Nam để theo đuổi đam mê chế tạo máy nông nghiệp phục vụ quê hương. 

Sau khi về Việt Nam, ông Hát đã chế tạo thêm nhiều loại máy khác cũng rất thành công trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như máy đặt hạt giúp giảm tải ngày công lao động đồng thời nâng cao năng suất gieo hạt, vì vậy còn được gọi là robot đặt hạt thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot này được ông Hát triệu xuất sang 14 nước như Đức, Mỹ, các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan.

Robot đặt hạt đã giúp ông Hát giành giải cao tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Hải Dương và toàn quốc những năm 2012, 2013, nhận Huân chương lao động tại Đại hội nông dân toàn quốc lần IV giai đoạn 2010-2015. Ông Hát đã sáng chế và cải tiến được gần 20 loại máy móc, ngoài các máy nêu trên còn có những máy như: máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân…

Ông Hát từ chối nhiều lời mời làm việc tại các nước tiên tiến với mức lương 50- 60 triệu đồng/ tháng để mong muốn sống tại quê nhà sáng chế ra nhiều phát minh giúp đỡ những người nông dân và phát triển nông nghiệp nước nhà.

Cũng như ông Hát, không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về nghề kỹ thuật nào, nhưng ông Đinh Văn Giang, xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) lại được nhiều người dân đặt cho cái tên là “ông vua sáng chế” bởi những sáng tạo, cải tiến ông đã làm cho các sản phẩm nông cụ, ngư cụ phục vụ sản xuất của bà con nông dân.

Ông Giang cũng đầu tư thêm thiết bị, nhân công để có thể sản xuất với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng; đồng thời liên tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều thế hệ máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng có công suất, kích cỡ, công năng lớn hơn, an toàn và tiết kiệm hơn. Ông cũng tiếp tục phát huy khả năng của mình, sáng chế và sản xuất gần chục loại máy móc khác như máy đào ao hút bùn, chế biến thực phẩm (giò, chả, chả mực...), máy ép viên, máy trộn thực phẩm, máy nghiền đá lạnh, máy đóng gạch... 

Tính đến nay, cơ sở của ông Giang đã sản xuất được hàng chục nghìn sản phẩm máy móc các loại. Nhiều sản phẩm đã tiến xa đến thị trường quốc tế như Mỹ, Nga, Canada, Lào, Campuchia… Các sáng chế của ông đã đạt giải cao tại các cuộc thi liên quan đến sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, Trung ương.

Năm 2015, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng ông Đinh Văn Giang bằng khen “Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

 “Nhà khoa học”… khùng

Ông Hoa Sĩ Hiền sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tân Châu, An Giang. Năm nay ông 52 tuổi nhưng đã có trên 20 năm “ăn bờ, ngủ bụi” với nghề lai tạo lúa giống. Nhờ đó, ông đang sở hữu trên 50 giống lúa mang những đặc tính vượt bậc như: chịu hạn, mặn, phèn, kháng sâu rầy… Tất cả những giống lúa này đều được bảo tồn tại Viện nghiên cứu ĐBSCL, trường ĐH Cần Thơ bảo quản.

Ông Sĩ Hiền không nhớ cơ duyên nào ông đến với nghề lai tạo lúa giống. Ông chỉ nhớ là những năm 1999-2000, lúa giống là mặt hàng xa xỉ và vô cùng hiếm, nhưng năm nào sâu bệnh, hạn hán là bà con nông dân mất trắng. Hơn 20 năm qua, nông dân Hoa Sĩ Hiền giành nhiều công sức để nghiên cứu lai tạo thành công hơn 50 giống lúa có tính năng vượt trội.

“Đến giờ này, ngoài sự giúp đỡ của cán bộ ngành nông nghiệp An Giang, tôi tạo ra được 50 giống lúa như ý còn nhờ sự đồng cảm, chia sẻ của vợ, con tôi rất nhiều. Vì suốt 20 năm qua, trên mảnh ruộng 4.000m2 này, tôi chưa hề mang về 1.000 đồng nào cho vợ con. Còn tiền thưởng tôi cũng dành mua dụng cụ nghiên cứu lúa giống, chưa mua được cho vợ con một bộ quần áo mới nào”, ông Hoa Sĩ Hiền thổ lộ.

Dù giống lúa TC7 sống khỏe trong mảnh ruộng thử nghiệm có độ mặn 5-7 phần nghìn của ông Hiền nhiều năm, nhưng mãi đến tháng 1/2019, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT mới công nhận cho sản xuất thử ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Hiền cho biết, để làm ra giống lúa TC7 cũng khó khăn trăm bề.

Ông từng đi lang thang trên những cánh đồng ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để tìm những bụi lúa còn sót lại sau trận nước mặn xâm nhập, mang về thử nghiệm. Nhưng vùng đất Tân Châu - An Giang quanh năm nước ngọt lấy đâu ra nước mặn trồng lúa? Ông Sĩ Hiền nghe tin có mấy người trong xóm đi Phú Quốc (Kiên Giang), ông liền tìm tới nhờ lấy nước mặn mang về trồng lúa. Những năm 2000, không có dụng cụ thử mặn, nông dân Sĩ Hiền phải ngửi đất hoặc nhai đất để biết độ mặn…

Nông dân Hoa Sĩ Hiền tin rằng, giống lúa Hương thơm Tân Châu sẽ góp mặt tham dự cuộc thi gạo ngon nhất thế giới trong thời gian sắp tới. Ông cho biết nếu giống lúa này thành công và đạt giải “gạo ngon nhất thế giới”, ông sẽ dành tặng cho Nhà nước…

Nhiều năm qua, “nhà khoa học chân đất” Hoa Sĩ Hiền đều đặn đạp xe đến “Viện nghiên cứu” của ông để chia sẻ những kiến thức cho các bạn sinh viên Đại học An Giang đến thực tập. Hết lớp này đi, lớp khác đến, tính đến nay có trên 500 cử nhân Đại học An Giang từng “lên bờ xuống ruộng” với ông. Trong đó có nhiều em bây giờ đã là thạc sĩ, tiến sĩ ngành nông nghiệp...

Một người nông dân rất đáng ngưỡng mộ đó là ông Trương Văn Thủy (thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Tự mày mò, nghiên cứu sáng chế ra máy bào thẳm dọc và lò hấp gỗ “khủng” với công suất bằng cả 20 - 30 người làm, “nhà sáng chế chân đất” dân tộc Sán Dìu khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục. Khi đưa vào sử dụng, một ngày vận hành máy năng suất bằng 15-30 người làm mà chi phí thực hiện chỉ có 5 triệu đồng.

“Độ chính xác gần như tuyệt đối, sản phẩm đã dọc bào thẳm bằng máy này có thể ráp khít 99,9%, không thể phát hiện dù chưa qua xử lý. Độ an toàn hơn cả máy của Hàn Quốc”, ông Thủy nói. Ngoài ra, sáng chế lò hấp gỗ không khói của ông Thủy cũng được đánh giá rất cao khi có thể cho ra 7m3 gỗ trong 7 ngày, thay vì phải đợi khô tự nhiên từ 2-5 tháng, ý tưởng được hình thành từ chiếc hộp hút thuốc lào. Chất lượng gỗ khi qua lò đảm bảo không vênh, không co ngót.

Lò sấy gỗ của nhà sáng chế Trương Văn Thủy (ảnh Bích Ngọc).
  Lò sấy gỗ của nhà sáng chế Trương Văn Thủy (ảnh Bích Ngọc). 

Dù khiếm khuyết về cơ thể, cụt một tay phải, mắt trái mờ nặng từ lúc còn thanh niên do bị thương bởi mìn, nhưng ông Tạ Tuấn Minh, ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long (Bình Phước) đã có hơn 40 sáng chế hữu ích được ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Trong đó có nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế.

Thành công hơn cả là đề tài “Phương pháp giảm lực nén, tăng lực đẩy cho động cơ xăng”. Phương pháp này giúp tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành chi phí cho động cơ các loại xe máy. Không ngừng mày mò, sáng chế, nông dân Tạ Tuấn Minh liên tiếp cho “ra lò” những sản phẩm khoa học có tính khả thi cao. Mới đây nhất, đầu năm 2019, ông đã hoàn thành đề tài khoa học: “Cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Còn ông Nguyễn Văn Chế sinh năm 1962 ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương chỉ học hết lớp 7, chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng cũng đã có nhiều sáng chế hữu ích. Sáng chế nổi tiếng nhất của ông Chế là lưỡi cày lên luống đa năng, vừa cày được vừa lên luống được với những luống đều nhau được tạo ra khi sử dụng cùng với máy cày lật đất.

Lưỡi cày có thể được điều chỉnh nâng lên, hạ xuống cho phù hợp với độ cao thấp của luống đất. Theo thống kê, lưỡi cày đa năng của ông Nguyễn Văn Chế giúp nông dân giảm 50-60% chi phí làm đất, giảm nhân công, thời gian làm đất trong vụ đông. Mỗi năm, xã Nam Trung quê ông Chế trồng gần 200ha cây vụ đông thì có thể tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ khi sử dụng lưỡi cày mới.

Nhờ vậy, sản phẩm này rất phổ biến ở các tỉnh có phong trào làm vụ đông mạnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình... và đến nay đã xuất hiện trên 63 tỉnh thành cả nước với giá 1 triệu đồng/cái. Lưỡi cày đa năng đã được nhận các giải thưởng Khoa học công nghệ, giải thưởng trong Hội nghị khoa học kỹ thuật của tỉnh Hải Dương.

Ngoài lưỡi cày lên luống, ông Nguyễn Văn Chế còn có những sáng chế khác góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cho bà con nông dân như: Máy phay thái hành tỏi, máy sử dụng quạt gió tỏa nhiệt giúp cho việc sơ chế hành tỏi…

Không thể không… “tâm trạng”

Có thể nói, trong bối cảnh những sáng chế của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học ít có tính ứng dụng trong thực tế thì nhiều sáng chế của nông dân có tính thực tiễn cao nhưng gặp phải rào cản chậm chễ trong việc đăng ký bản quyền để thương mại hóa sản phẩm. Thực tế nhiều sáng chế đã cho hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên để những sáng chế này được đưa vào sản xuất thương mại và sử dụng rộng rãi thì những “nhà sáng chế nông dân” cần có biện pháp tháo gỡ cơ chế để phát triển công nghiệp cơ khí và những thông tin hiểu biết về thị trường, về các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký bản quyền. Đó là sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà băng, doanh nghiệp và nông dân, cùng tạo nên chìa khóa phát triển nông nghiệp trong tương lai.

Chuyện người nông dân chân đất ở những miền quê nghèo chế tạo máy nông nghiệp, máy phát điện, máy bay, tàu ngầm không còn lạ nữa, nhưng việc cha con “hai lúa » được nhận huân chương vì những cống hiến cho nền kỹ thuật của nước ngoài là điều rất đáng phải suy nghĩ.

Một câu hỏi đặt ra: Không biết những nhà quản lý khoa học và những nhà nghiên cứu khoa học đón nhận thông tin này với tâm trạng thế nào? Dẫu vẫn biết mọi sự so sánh chỉ là tương đối và thành công của “hai lúa” trên đất Campuchia không liên quan đến việc có tới 80-90% máy móc, công nghệ ở Việt Nam phải nhập khẩu, 75% thiết bị đã hết khấu hao... nhưng không thể không “tâm trạng”…

Ông Tạ Tuấn Minh liên tiếp cho “ra lò” những sản phẩm khoa học có tính khả thi cao (ảnh Liêm- Hưng).
 Ông Tạ Tuấn Minh liên tiếp cho “ra lò” những sản phẩm khoa học có tính khả thi cao (ảnh Liêm- Hưng). 

Và nữa, chuyện doanh nghiệp chưa sản xuất được những chiếc ốc vít để đáp ứng nhu cầu của Samsung và Canon (hai nhà sản xuất đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) một lần nữa lại khiến những “trí tuệ Việt” cảm thấy nhói đau. Cũng phải nói thêm, những nhận định như vậy được đưa ra tại nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học.

Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á (theo một con số thống kê, cả nước có 24.300 tiến sĩ), nhưng phương tiện kỹ thuật nông nghiệp như máy gặt đập, tuốt lúa, diệt rầy… phần nhiều lại ra đời từ xưởng sản xuất thô sơ của những ông « hai lúa". Vì sao Nhà nước lại phải bỏ ra nhiều tỷ đồng cho những công trình, dự án khoa học chỉ để đút vào ngăn kéo tủ còn người nông dân chân đất lại trở thành những nhà "sáng chế" ở một đất nước thuần nông? Phía sau câu chuyện này là gì?

Việc nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia bắt đầu từ thực tiễn và gắn bó mật thiết với sản xuất. Thường thì cơ sở sản xuất đặt vấn đề, tổ chức hoặc tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu. Nếu nghiên cứu đạt hiệu quả thì ứng dụng, nếu không thì phải đền bù lại kinh phí theo một quy định nào đó.

Thế nhưng ở nước ta, như một nhà khoa học nhận xét: Hoạt động nghiên cứu không được nuôi dưỡng bởi người mẹ của nó là lực lượng sản xuất, mà được cưu mang bởi ngân sách nhà nước, phân bổ về các cơ quan, trường, viện. Nhiều người trong cuộc hiểu rằng, việc được chọn đề tài nghiên cứu như một loại "bổng lộc" chứ không phải là tiền đầu tư để nghiên cứu...

Điều này dẫn tới tình trạng "chân không chạm đất" nghiên cứu xa rời thực tiễn và để lại không ít hệ lụy như hiện tượng xin – cho. Tệ hại hơn là bệnh phong trào, bệnh hình thức trong hoạt động khoa học công nghệ, gây lãng phí không thể cân đong về tiền bạc.

Đành rằng, không phải người Việt Nam nào cũng đam mê khoa học, nhưng rõ ràng, không ít người Việt Nam có tố chất, phẩm chất sáng tạo. Vấn đề ở chỗ làm sao để những phẩm chất ấy thăng hoa và chuyển thành những đề tài khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn. Trong hàng loạt vấn đề, không thể không nhắc đến đào tạo. Người Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và tiền bạc cho giáo dục, nhưng trong cả giáo dục gia đình và nhà trường đang tồn tại không ít vấn đề.

Với nhiều người, mục tiêu của sự học là để trở thành "người nhà nước", học để làm quan chứ không phải học để có tri thức thực tế, để biết, để làm... Chính bởi lối đào tạo "tầm chương trích cú" ăn sâu vào hệ thống giáo dục tạo ra những con người thừa lý thuyết nhưng thiếu khả năng thực hành và tư duy độc lập. Kết quả là một xã hội có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không sản xuất nổi một cái tai nghe, sạc pin cho Samsung...

Đành rằng máy bay trực thăng, tàu ngầm của những ông "hai lúa" nếu có thử nghiệm thành công thì khả năng thương mại hóa là rất khó. Nhưng vì sao sau những chiếc xe công nông, hàng chục năm nay, không có sản phẩm công nghiệp nào để lại ấn tượng đối với chính bản thân người Việt? Các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam chìm nghỉm trong siêu thị điện máy giữa đủ kiểu hàng nhập ngoại và gần như chưa có sản phẩm nào mang thương hiệu Việt Nam được thế giới biết đến là một thực tế.

Điều này cho thấy khả năng nghiên cứu, phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm công nghiệp vẫn là câu hỏi rất lớn. Trách nhiệm của các nhà quản lý khoa học, nhà nghiên cứu đối với việc sử dụng đồng tiền của nhân dân như thế nào? Trong khi chúng ta đã cán mốc quan trọng với đích đến đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và còn bỏ ngỏ như một câu chuyện dài khó có hồi kết…

Những phát minh đáng ngưỡng mộ của người Việt khắp thế giới

Người Việt ở khắp nơi trên thế giới luôn mang lại niềm tự hào cho dân tộc bằng nhiều phát minh khoa học có ý nghĩa to lớn với nhân loại.

Xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người

Năm 2012, xe lăn thông minh được công nhận là 1 phát minh khoa học đầy tính đột phá của GS.TS.Hùng Nguyễn - người gốc Việt hiện đang làm việc tại Đại học Sydney ở Úc và các cộng sự. Sáng chế này xếp hạng ba trong danh sách 100 phát minh hàng đầu tại Úc năm 2011.

Xe lăn được thiết kế có chức năng như một robot chuyển động có thể tránh các chướng ngại vật mà nó nhìn thấy thông qua camera được cài trên xe. Xe có thể di chuyển dựa trên mệnh lệnh, từ việc lắc đầu, ánh mắt hay thậm chí những suy nghĩ của người dùng.

Phát minh giúp người già không cần đeo kính

Lần đầu tiên trong lịch sử y học về mắt, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt đã phát minh ra phương pháp mới giúp những người có bệnh về mắt không phải đeo kính. Đó là công trình của Dr. Randal Pham, tức Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh, chủ tịch Hội Y Bác sĩ người Mỹ.

Hội Đồng Y Khoa của Tiểu bang California (Medical Board Of California) đã công nhận một công nghệ kỹ thuật mới này (được gọi tên là Acrysof ReSTOR Lens). Loại thủy tinh thể do bác sĩ Phạm Hoàng Tánh nghiên cứu chế tạo có khả năng điều chỉnh độ nhìn gần xa, rộng hẹp như một loại kiếng đa tròng.

Phát minh ra máy ATM

Cha đẻ phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng là người Việt Nam, đó là ông Đỗ Đức Cường. Ông là tác giả của trên 50 phát minh sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Mỹ. Được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka, tại đây ông vừa đi học vừa làm thêm cho Công ty Toshiba. Sau đó, một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến với nước Mỹ.

Chế tạo máy bay

Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2003 ông Trần Quốc Hải (ngụ Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh) đã chế tạo chiếc máy bay trực thăng đầu tiên. Năm 2005 chiếc máy bay thứ hai ra đời, cải tiến, hiện đại hơn chiếc trước mà giá thành chỉ bằng... một chiếc ôtô. 

Hai chiếc máy bay trực thăng "made in Việt Nam" do ông chế tạo đã được "xuất khẩu" ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Số tiền bán máy bay trực thăng được ông sử dụng vào việc chế tạo ra các thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp.

Tạo tế bào gốc từ màng cuống rốn

Tiến sĩ Phạm Toàn Thắng đã khiến cả thế giới ngưỡng mộ và nể phục khi sản xuất thành công tế bào gốc từ màng cuống rốn. Phương pháp tách tế bào da từ màng dây rốn giúp chữa lành các vết thương về da do bỏng, tiểu đường, loét do phóng xạ, thậm chí là chăm sóc sắc đẹp.

Bên cạnh đó, tế bào gốc màng dây rốn phù hợp cho ghép tế bào gốc đồng loại mà không phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch do có tính kháng nguyên và miễn dịch thấp nên khả năng thải ghép thấp.

Hiện nay, công nghệ này được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Robot hình người Trung Quốc mới nâng được 16kg mỗi tay. (Ảnh: Shanghai Kepler Robotics)

Robot hình người của Trung Quốc nâng được 16kg mỗi tay

(PLVN) - Shanghai Kepler Robotics của Trung Quốc đang gây chú ý với dòng robot hình người Forerunner tiên tiến. Mẫu robot mới nhất, Forerunner K2, với khả năng nâng vật nặng đáng kinh ngạc và trí tuệ nhân tạo vượt trội, hứa hẹn sẽ sớm có mặt tại các nhà máy, kho bãi và nhiều lĩnh vực khác.

Đọc thêm

VinFuture công bố tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải 2024

Với chủ đề “Bứt phá Kiên cường”, Lễ trao giải VinFuture 2024 là một trong những sự kiện tâm điểm được đón chờ nhất của giới Khoa học Công nghệ toàn cầu.
(PLVN) - Ngày 18/11/2024 - Quỹ VinFuture chính thức công bố lịch trình Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 - 7/12/2024 tại Hà Nội, Việt Nam. Đây là chuỗi sự kiện tầm vóc quốc tế, hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo, ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường… Đặc biệt, tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ vinh danh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc, đang góp phần phụng sự cho cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên trái đất.

Robot 'dụ dỗ bắt cóc' 12 robot khác khỏi phòng trưng bày

12 robot bị "bắt cóc" khỏi phòng trưng bày bởi một robot khác (Ảnh cắt từ video)
(PLVN) - Đoạn video ghi lại cảnh 12 robot cỡ lớn bị "dụ dỗ" và "bắt cóc" khỏi phòng trưng bày bởi một robot nhỏ hơn đã gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc. Sự việc tưởng chừng như dàn dựng này hóa ra lại là một thử nghiệm AI gây kinh ngạc.

FPT Techday 2024 thu hút gần 10.000 người tham dự

FPT Techday 2024
(PLVN) - FPT Techday 2024 - Diễn đàn công nghệ quốc tế thường niên lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn FPT tổ chức đã diễn ra trong hai ngày 13 và 14/11, tại Trung tâm triển lãm và sự kiện Thiskyhall, TP Thủ Đức, TP HCM.

VNPT giới thiệu hệ sinh thái số toàn diện tại Diễn đàn quốc gia Phát triển Kinh tế số & Xã hội số lần thứ II

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tham khu trình diễn các giải pháp số của VNPT tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II. (Ảnh: Chi Tưởng)
(PLVN) - Những “lát cắt” của các thành tựu bước đầu trên hành trình làm chủ công nghệ số và cung cấp hệ sinh thái số trong mọi lĩnh vực đời sống KTXH đã được Tập đoàn VNPT giới thiệu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức.

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024
(PLVN) - Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture”, hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.

Viettel triển khai thương mại mạng 5G Open RAN

Toàn cảnh sự kiện 5G ORAN Vietnam Connect 2024
(PLVN) - Ngay từ đầu năm 2025, Viettel sẽ Ngay từ đầu năm 2025, Viettel sẽ triển khai hơn 300 trạm 5G Open RAN tại một số tỉnh thành, tiến tới mở rộng quy mô lớn tại Việt Nam và thị trường quốc tế...

Câu chuyện người Việt học tiếng Anh cùng AI

Các khách mời trải nghiệm nền tảng học tiếng Anh FSEL. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Với thông điệp An English Center in Your Pocket (Trung tâm tiếng Anh nhỏ gọn trong túi bạn), FSEL - nền tảng học ngoại ngữ tương tác cùng AI (trí tuệ nhân tạo) là bước đột phá, hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi trong hiệu quả học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung của hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam.

Thấy gì qua các vụ kiện bản quyền liên quan đến AI trên thế giới?

 Với tác phẩm “Zarya of the Dawn” của Kristina Kashtanova, Mỹ chỉ bảo hộ tác quyền phần nội dung do con người tạo ra. (Ảnh: The Verge)
(PLVN) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), các vấn đề bản quyền đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các vụ kiện liên quan đến bản quyền AI đã làm nổi bật những thách thức pháp lý mới, đòi hỏi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải xem xét điều chỉnh khung pháp lý về sở hữu trí tuệ.

Tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II

Diễn đàn 2024 sẽ diễn ra từ ngày 13-14/11 tại Bình Dương.
(PLVN) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề: “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động”.

Phát triển và sử dụng AI: Đặt con người, đạo đức và trách nhiệm lên hàng đầu

TS Trần Thị Tuấn Anh - Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước
(PLVN) - Nhằm đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, sáng 06/11, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức Tọa đàm “Phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy”.

Đẩy mạnh hợp tác giữa Estonia và Việt Nam trong chuyển đổi số

Đoàn doanh nghiệp Estonia làm việc tại Bộ Thông tin truyền thông
(PLVN) - Chiều ngày 5/11 tại Hà Nội, đã diễn ra họp báo thông tin về đoàn đại biểu cấp cao từ Estonia sang thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong chuyển đổi số với Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Trade Estonia thuộc Enterprise Estonia, phối hợp với Đại sứ quán Estonia.