Cần quy định rõ hơn mục đích thu hồi
Góp ý cho Dự thảo Luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước.
Liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tại Điều 225 Dự thảo Luật quy định theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết. Theo ông Hậu, mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai, nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.
Ông Hậu cho rằng, cơ chế giải quyết thông qua UBND có thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, đồng thời bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng. Ngoài ra, đất đai là một “đối tượng” vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho TAND sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.
Về các vấn đề liên quan đến nội dung thu hồi đất, các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức và quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều khiếu kiện. Do vậy, nên có quy định cho những trường hợp cụ thể để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất; đồng thời, giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 78 của Dự thảo, bà Ung Thị Xuân Hương - nguyên Chánh án Toà án TP HCM đánh giá, đối chiếu với Luật hiện hành thì quy định của Dự thảo có phạm vi mở rộng và cụ thể hơn. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện, cần làm rõ mục đích, tiêu chí trường hợp thật cần thiết Nhà nước phải tiến hành thu hồi.
Thể chế hóa một cách cụ thể tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”
Đánh giá về quy định tại khoản 4 Điều 60 của Dự thảo (quy định sử dụng đất cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên), một số ý kiến khẳng định, nội dung này không đảm bảo tính khả thi trên thực tế, bởi quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ, khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng đất quốc gia, chỉ thể hiện khoanh vùng đất chung chung, không thể hiện hết các công trình tại các địa phương. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo chỉ tiêu phân bổ, thể hiện đến từng thửa đất, thể hiện chi tiết nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực nên không thể phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp trên. Vì vậy, cần điều chỉnh thành quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với “chỉ tiêu” sử dụng đất của quy hoạch sử dụng của cấp trên.
Góp ý cho Dự thảo Luật, PGS,TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, việc thu hồi đất luật cần giải thích rõ các tiêu chí thế nào là vì lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng vì lợi ích của tư nhân. Đối với dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện cần để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, người bị thu hồi phải được tham gia ngay từ đầu. Không để tình trạng xây rồi mới hỏi ý kiến người dân, thành chuyện đã rồi, lúc đó ý kiến của người dân gần như không có tác dụng, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào cũng cần phải được đưa vào Luật.
Còn theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Dự thảo Luật lần này cần thể chế hóa một cách rõ ràng các quy định với tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”. Với những người dân khi nhường đất để Nhà nước thực hiện các dự án, họ mong muốn đảm bảo các điều kiện cụ thể hỗ trợ tái định cư. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các quy định của Luật cũng phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư; cùng với đó, cần quy định rõ việc thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi…
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: “Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo sẽ được Ban Thường trực gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các luật cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai
Ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, theo quy định, Dự thảo Luật phải kèm theo dự thảo Nghị định của Chính phủ. Do đó, phải tổ chức lấy ý kiến dự thảo các Nghị định kèm theo Dự thảo Luật mới bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định để đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.
Ngoài ra, ông Thực cũng đề nghị cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vừng; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.