Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết,việc gia nhập Công ước số 98 là để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, vấn đề này đang là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến nay nước ta đã gia nhập 5/8 Công ước cơ bản của ILO. Công ước số 98 có 16 Điều, gồm ba nội dung cơ bản: bảo vệ người lao động và cán bộ công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện.
“Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)”, ông Giàu bày tỏ đồng thời nhấn mạnh tất cả các Bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự thận trọng của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế. Qua thảo luận, các ý kiến đều tán thành nhất trí Tờ trình và thuyết minh của Chính phủ. Các ĐB đều nhất trí trình Quốc hội xem xét phê chuẩn. Đặc biệt, Công ước số 98 không có quy định nào trái với Hiến pháp 2013, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát nghiên cứu những nội dung liên quan để nội luật hóa các quy định mà nước ta đã gia nhập, nhất là các luật có liên quan như Bộ luật Lao động, Luật công đoàn để “khớp” với các quy định trong Công ước này.
Giữ nguyên tiêu chí dự án quan trọng quốc gia
Trước đó, chiều ngày 9/5, UBTVQH đã cho ý kiến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 và tại hội nghị đại biểu chuyên trách cho rằng, Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định tại điều 11 về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay chỉ có 2 dự án trình Quốc hội). Do đó, đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, như luật hiện hành. Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của UBTVQH ủng hộ quan điểm giữ nguyên các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C.