Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước nên các bộ, ngành, địa phương "phải để tâm vào” chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập để giải ngân nguồn ODA, thực hiện yêu cầu "tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi còn lượng vốn rất lớn chưa giải ngân".
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý về vấn đề này. "Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm" - Thủ tướng chỉ đạo.
Để chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu trong sử dụng ODA, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc "cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA". Đồng thời sửa đổi Nghị định 56 nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác.
Các ngành, các bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm nay, trong đó cả việc tìm các nguồn hợp pháp để cân đối.
Thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trách tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán. Không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước, nếu không làm được thì điều chuyển việc khác, Thủ tướng nhấn mạnh.
"Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT, về giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài 10 tháng năm 2020, ước đến ngày 31/10, phần lớn các bộ, cơ quan Trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ GTVT có mức giải ngân cao nhất với tỉ lệ 44,8%.
Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).
Có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.
Từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay tác động tới tiến độ thực hiện dự án do không triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân mà còn gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch.
Bộ KH&ĐT cho biết, chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, nhưng khối lượng giải ngân ODA còn rất lớn, gần 70% (gần 41.000 tỷ đồng).