Hôm qua - 13/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã chủ trì cuộc họp báo thông báo tình hình cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011.
Đường nhập khẩu “vô can”
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định việc bộ này công bố cấp phép nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2011 với khối lượng 250 tấn là phù hợp với nhu cầu. Bộ này cũng cho rằng, việc công bố hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2011 là 250 nghìn tấn đã có sự bàn bạc, nhất trí với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 45/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 công bố lượng hạn ngạch thuế quan phân giao cho 3 nhóm đối tượng, gồm 150 nghìn tấn đường thô, đường tinh luyện cho các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu trực tiếp để sản xuất; 50 nghìn tấn đường thô cho một số nhà máy đường sản xuất đường tinh luyện và 50 nghìn tấn đường tinh luyện cho một số doanh nghiệp thương mại phục vụ bình ổn thị trường.
Theo ông Biên, 4 tháng đầu năm số lượng đường đã nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan vào khoảng trên 53 nghìn tấn. Nguồn đường nhập khẩu đến hết tháng 7 (đối với các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, đã mở L/C) khoảng 70 nghìn tấn. Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, kết quả thực hiện nhập khẩu đường 4 tháng đầu năm 2011 cho thấy nguồn nhập khẩu không lớn và không tác động xấu đến sản xuất và tiêu thụ đường sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, để bảo đảm khuyến khích tiêu thụ đường sản xuất trong nước với giá cả hợp lý, ông Biên cho biết trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính thực hiện một số giải pháp. Cụ thể: các nhà máy đường đã được cấp phép nhập khẩu đường thô (thời hạn thực hiện đến 30/6/2011) sẽ dừng nhập khẩu theo giấy phép đã được cấp đối với các hợp đồng đã ký kết nhưng chưa thanh toán mà không phải đền bù và không ký thêm các hợp đồng nhập khẩu mới; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chưa ký tiếp các hợp đồng mới, dãn tiến độ nhập khẩu đối với các hợp đồng đã ký đến hết tháng 7/2011; các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất sẽ tập trung ưu tiên sử dụng đường trong nước và cân nhắc tiến độ nhập khẩu phù hợp. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu đường, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng đường nhập lậu…
“Xa lạ với thực tế”
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết: anh em trong Hiệp hội rất bức xúc với những nội dung mà Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng, “nó xa lạ với thực tế”. Theo ông Long, hiện nay ngành mía đường đang gặp thiệt hại kép, giá đường giảm, cộng với chi phí do lượng đường tồn kho lớn. Tính đến tháng 4, lượng đường tồn kho đã lên đến 525 nghìn tấn, cao hơn so với cùng kỳ là 142 nghìn tấn đường. Giá bán đường RS hiện khoảng 17.000 – 18.500 đồng /kg, giá đường trắng RE khoảng từ 18.000 – 20.000 đồng/kg tuỳ từng khu vực; giảm khoảng 500 – 1.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Vấn đề ở chỗ, quý I, trong khi mía đường trong nước trúng vụ nhưng vấn Bộ Công Thương lại cho nhập đường. Hệ lụy là, các doanh nghiệp thương mại hiện không mua dự trữ, khiến các doanh nghiệp sản xuất buộc phải “dự trữ” đường. Hàng tồn kho nhiều trong bối cảnh lãi suất cao đang đẩy các doanh nghiệp đường đến bờ vực.
Ông Chủ tịch Hiệp hội mía đường kiến nghị ngoài việc tạm ngừng nhập khẩu đường, Nhà nước cần mua dự trữ 200 nghìn - 300 nghìn tấn đường, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, đề nghị cơ quan chức năng phối hợp có biện pháp nghiêm minh chặn đường lậu từ Thái Lan thẩm thấu vào nội địa…
Mai Hoa