Con đường quy mô mở xuyên qua thung Trà Thần (xã Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh), một trong những nơi tại Việt Nam còn bảo tồn được nhiều cây gỗ quý như lim, táu, sến, de, dè… Theo tính toán sơ bộ, 2,5 ha rừng phải “hi sinh” để lấy đất mở đường…
Một góc con đường xuyên rừng Cái Lim vừa được mở. |
Đường mới xuyên rừng
Từ đất liền huyện Vân Đồn, phóng viên vượt biển trên vịnh Bái Tử Long tìm ra con đường mới mở. Nằm trong quần thể những hòn đảo của vịnh, thung Trà Thần (còn gọi là rừng Cái Lim, xã Vạn Yên) nhìn từ xa ngút ngàn một màu xanh ngắt. Khi con nước lên, tiếng bìm bịp kêu chiều cộng hưởng với tiếng sõng vỗ mạn tàu làm cho khung cảnh nơi đây thanh bình đến lạ.
Theo người dân bản địa, có thể sự đa dạng sinh học của khu rừng sẽ mai một, hoặc mất dần đi khi con đường băng qua rừng chính thức mở, phá bỏ hết các loại gỗ và thảm thực vật.
“Dấu tích” con đường xuất hiện ngay từ khi tàu cách mép bờ vịnh một quãng xa. Nhìn từ xa, cả cánh rừng xanh bị xẻ dài một vệt, đỏ au màu đất, đá.
Để mở con đường này, theo người dân bản địa, người ta đưa công nhân, đưa máy xúc, máy ủi, những phương tiện cơ giới lên xà lan vượt biển để lên rừng để phá đá, san ủi đất trong suốt nhiều ngày liền.
Theo ghi nhận của phóng viên, con đường này khá rộng, với những triền dốc đủ cao để cho người không quen đường phải thở dốc khi leo được dăm chục bước chân. Ngay từ đầu đường, đất đá vẫn nằm ngổn ngang, dấu bánh xe cơ giới còn hằn rõ trên bề mặt. Hai bên vệ đường, nhiều loại cây cối bị đốn hạ, nằm chỏng chơ bên mép bờ vực hay cheo leo ngay sườn núi.
Càng đi sâu vào rừng bằng con đường mới, mức độ “nguyên sinh” của cả khu rừng càng hiện rõ, với nhiều loài gỗ quý, kích thước lớn xuất hiện dọc lối đi. Để có mặt bằng làm đường, công nhân đã cho san ủi, móc bật gốc bất kể các “chướng ngại vật” đó là gỗ lim, hay bất cứ loại gỗ nào.
Những cây lim bật gốc
Người đàn ông bản địa, tên Đoan, nói rằng, chiều dài con đường ước chừng lên đến 5 km. Với chiều rộng khoảng 5m, theo tính toán, đơn vị thi công đã san phẳng khoảng 2,5ha rừng để có mặt bằng làm tuyến giao thông xuyên rừng này.
Cũng theo ông Đoan, thung Trà Thần còn được gọi là rừng Cái Lim, nơi tập trung nhiều cây gỗ lim kích thước lớn, có cây với đường kính lớn 1m, với tuổi thọ hàng trăm năm. Ngoài gỗ lim, rừng còn có nhiều cây gỗ quý khác như táu, sến, de, dè, dẻ đỏ, dẻ trắng… và những loại cây cảnh giá trị như cây nhội, lộc vừng.
Khi đơn vị thi công rút khỏi công trình, nhiều gốc cây cổ thụ còn trơ lại gốc ngay trên con đường mới. Dọc đường đi, những cây gỗ lim đã bị chặt ngọn, đốn gốc, nằm ngay vệ đường hay được che đậy kín đáo trộn lẫn trong lá mây rừng. Ngoài những cây lim bị đốn hạ, theo người dân bản địa, ai đó đã dánh dấu vào nhiều cây gỗ hai bên đường. “Họ đánh số vào từng cây để biết đó là gỗ quý để khai thác. Họ đánh dấu bằng cách vạc vào vỏ cây hay bằng dấu sơn đỏ”, người dân này, cho biết.
Ở đây không chỉ có gỗ, cả bãi rừng trúc hỗn hợp đẹp như tranh vẽ cũng bị phạt ngang, nằm te tua và xơ xác dọc lối đi. Dù đã “rút quân” khỏi công trình, nhưng đơn vị thi công còn để lại nhiều dấu tích như thùng phi đựng dầu, cán cuốc, xẻng.
Tuy nhiên, việc mở đường xuyên thung Trà Thần nói trên đang dấy lên nghi ngại trong dư luận, liệu hệ sinh thái của cả khu rừng có được toàn vẹn khi tuyến thống giao thông này đã hoàn thành, và đường trong rừng Cái Lim có thể sẽ là nơi “vô tình” tiếp tay cho lâm tặc vào rừng đốn gỗ quý?.
Việt Hưng