Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành Công an; Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn Thanh tra giao thông vận tải và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, thực hiện ý kiến chỉ đạo trên đây của Thủ tướng Chính phủ trong thực thi công vụ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, trong tháng 8/2017 ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp Giấy biên nhận nêu trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp 01 bản gốc Giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017.
Trước đó, như PLVN điện tử đã thông tin, gần đây, Cục Cảnh sát giao thông (C67), Bộ Công an có văn bản hướng dẫn Công an các tỉnh, TP được quyền xử phạt đối với lỗi vi phạm không có giấy đăng ký xe bản gốc khi lưu thông khiến nhiều người hoang mang.
Theo C67, đối với những phương tiện thế chấp tại NH thương mại tham gia giao thông, bên thế chấp (người vay) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22-2-2012). Điều này có nghĩa là NH không được giữ giấy tờ xe bản chính như trước đây và CSGT được quyền xử phạt đối với lỗi vi phạm không có giấy đăng ký xe bản gốc khi lưu thông.
Thông tin CSGT sẽ xử phạtlỗi vi phạm không có giấy đăng ký xe bản gốc khi lưu thông khiến nhiều người hoang mang. |
Trong khi đó, lâu nay, khi cho người dân, doanh nghiệp vay tiền mua ô tô trả góp, ngân hàng đều giữ bản chính giấy tờ xe và chỉ công chứng giấy tờ xe giao cho khách hàng đi đường. Lãnh đạo nhiều NH bất ngờ với việc công an xử phạt người lái ô tô mang theo giấy tờ bản sao bởi từ trước đến nay, vay tiền mua ô tô thế chấp tài sản là chính chiếc xe đều phải để lại giấy tờ gốc cho NH giữ. Nếu không sẽ khó tránh tình trạng chủ xe đem tài sản thế chấp vay vốn ở nhiều NH khác nhau hoặc bán cho người khác, thế chấp vay tiền ở tiệm cầm đồ… Nếu NH không được giữ bản chính giấy tờ xe sẽ rất rủi ro và nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi.
Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều văn bản kiến nghị của các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp phản ánh về việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của TCTD nhận thế chấp khi tham gia giao thông
Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng, đặc biệt là những người mua xe trả góp.
NHNN cho rằng, việc xử phạt chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính là chưa hợp lý. Do đó, NHNN đã đề nghị Bộ Công an chưa xử phạt chủ phương tiện, cho phép sử dụng bản sao giấy tờ sở hữu xe có xác nhận của ngân hàng.
Trước đề xuất của NHNN và người dân, Bộ Tư pháp đã có văn bản hoả tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giải quyết theo hướng đảm bảo một cách tốt nhất quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp trước tình huống phát sinh này.