Cơ chế, chính sách phải thực sự vượt trội
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước. Trái tim có đập được những nhịp đập mạnh mẽ thì “cơ thể” cả nước mới có thể phát triển cường tráng và thịnh vượng.
Trong bối cảnh như vậy, đại biểu cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự bứt phá phát triển của Thủ đô.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại phiên họp. |
Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ hơn, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền TP. Nội dung, phạm vi, đối tượng và cơ chế phân cấp, ủy quyền cần gắn với chế độ trách nhiệm. Đặc biệt, cần quy định mức đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm là Thủ đô văn hiến, TP vì hòa bình.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cũng chỉ rõ, TP Hà Nội không phải là "một tỉnh hay một địa phương mà là Thủ đô của cả nước", là hình ảnh đại diện cho cả quốc gia, mang tính hình mẫu, đóng vai trò dẫn dắt và có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Hà Nội phải đi trước, phát triển cao hơn mức yêu cầu chung của đất nước.
Vì vậy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, mang tính riêng có nhằm tạo ra sức hút riêng của Thủ đô để thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Đại biểu tán thành với quy định tại Điều 4 dự thảo Luật về điều kiện áp dụng Luật Thủ đô là: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”; “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó”.
Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cùng những yêu cầu cao hơn đặt ra đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh, cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật cần phải thực sự đột phá, vượt trội hơn so với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho những địa phương khác.
Nêu thực tế cả nước hiện đã có 9 địa phương có cơ chế đặc thù, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, sửa đổi Luật lần này là cơ hội rất lớn để tạo bước đột phá trong phát triển Thủ đô gắn với đặc thù về vị trí địa lý - chính trị rất khác so với các địa phương khác của TP.
Theo đại biểu, các cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật cần gắn liền với những đặc thù của Thủ đô Hà Nội, xét về các khía cạnh ví trí địa lý - chính trị, kinh tế - xã hội, TP…, nhằm tạo ra được sự phát triển xứng tầm với vai trò, vị trí và yêu cầu đặt ra với Hà Nội.
Nên giao cho TP Hà Nội quyết định biên chế cán bộ
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô.
Dự thảo Luật quy định thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền TP thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - TP logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - TP về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hoà Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác là chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô.
Do vậy, HĐND TP Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cùng với việc trao quyền lớn hơn cho chính quyền TP thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền TP cũng phải cao hơn.
Cùng với đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải cao hơn và dự thảo Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đề xuất nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND TP chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền TP.
Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ giúp TP có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Về mô hình “TP thuộc TP”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mô hình này trong dự thảo Luật còn khá mờ nhạt, chủ yếu là quyền liên quan tổ chức bộ máy.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu thêm để phân cấp mạnh hơn cho mô hình này”, đại biểu đề nghị.
Nêu ý kiến trong báo cáo thẩm tra đề nghị chưa nên quy định các nội dung quá đặc thù trong dự thảo Luật khi chưa rõ về quy mô, chức năng, định hướng phát triển của các đô thị này, đại biểu nhấn mạnh thể chế cần phải đi trước.
Dẫn thực tiễn TP Hồ Chí Minh đã có mô hình TP trong TP (TP Thủ Đức) từ mấy năm nay, đại biểu cho rằng, đây cũng là một dẫn chiếu để có thể xem xét trong việc ban hành quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), để quy định nhiệm vụ, quyền hạn nhiều hơn cho xứng tầm với mô hình mới.
Có cùng quan điểm, đại biểu Thích Bảo Nghiêm (đoàn TP Hà Nội) chỉ rõ, việc dự thảo Luật đề cập đến mô hình chính quyền TP thuộc TP Hà Nội là cần thiết. Song, dự thảo còn nêu nhiều nguyên tắc chung, chưa đề cập đến chính sách đặc thù để phát huy vai trò mô hình chính quyền mới này, ví dụ như vai trò của chính quyền TP thuộc TP Hà Nội trong lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, sử dụng tài sản công...
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm phát biểu. |
Từ đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tham khảo bài học kinh nghiệm từ TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh và các quyết định đã được Quốc hội cho phép với TP Thủ Đức (tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh).
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, muốn Thủ đô văn hiến,văn minh hiện đại, phải giao quyền cho Hà Nội. Dẫn thực tiễn triển khai dự án đường Vành đai 4, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, đã giao thẩm quyền về chủ trương thì các quy định pháp luật khác cũng phải đi theo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Về nội dung được các đại biểu đề cập đến như di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, để đẩy nhanh quá trình thực hiện, cần giao thêm thẩm quyền cho TP. Các nội dung này phải được thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật.
TP cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.