Hôm qua 13/8, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (LS). Một trong các vấn đề nhận được nhiều sự ủng hộ của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó chính là quy định cho phép viên chức được hành nghề LS.
Luật sư tác nghiệp tại một phiên tòa |
Đề nghị miễn đào tạo nghề cho những người đã là chấp hành viên
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: về điều kiện miễn đào tạo nghề LS qua thảo luận, ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp, một trong những vấn đề quan trọng nhất theo quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi, bổ sung Luật LS lần này là phải nâng cao hơn chất lượng của đội ngũ LS.
Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật LS, về cơ bản quy định điều kiện miễn đào tạo nghề LS hiện hành là phù hợp và không có vướng mắc. Việc mở rộng hơn về điều kiện và đối tượng miễn đào tạo nghề sẽ không phù hợp. Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị cho giữ quy định về miễn đào tạo nghề LS như Điều 13 Luật LS hiện hành.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc miễn đào tạo theo quy định của Luật LS hiện nay “không đảm bảo công bằng cho lắm”. Ví dụ điều tra viên thì chỉ tham gia tố tụng trực tiếp trong lĩnh vực hình sự, còn liên quan đến án dân sự, hôn nhân, gia đình… thì họ không có vai trò gì.
Trong khi đó, thi hành án dân sự cũng là một giai đoạn tố tụng, chấp hành viên được đào tạo một cách cơ bản (đào tạo luật, đào tạo nghề) và thực tế thì họ phải thi hành tất cả các loại án. “Điều tra viên được miễn thì tại sao chấp hành viên lại không?”, Bộ trưởng đề nghị UBTVQH cân nhắc, xem xét để đưa chấp hành viên vào diện được miễn đào tạo nghề LS.
Khi thảo luận về dự án Luật này tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, nhiều ý kiến ủng hộ Chính phủ, đề nghị bổ sung quy định miễn đào tạo nghề LS đối với các chức danh công chứng viên, chấp hành viên, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng thạc sỹ luật, trợ giúp viên pháp lý cũng được miễn đào tạo nghề LS…
Viên chức làm LS: chỉ được tư vấn?
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của ĐBQH, Chính phủ cho rằng, trong hơn 1.500 viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hiện nay, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật và tập quán quốc tế. Việc cho phép đội ngũ này làm LS sẽ bổ sung một số lượng đáng kể LS trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định cho phép viên chức được hành nghề LS, vì theo ủy ban này, đội ngũ viên chức giảng dạy pháp luật có nhiệm vụ rất quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực cho cả hệ thống cơ quan tư pháp và toàn xã hội. Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề LS sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi LS là các giảng viên tham gia tố tụng.
Hơn nữa, hành nghề LS thường gắn liền với hoạt động tố tụng (tức là chủ yếu được tiến hành trong giờ hành chính), do đó nếu giảng viên được hành nghề LS sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề.
Trước lo ngại của Uỷ ban Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề xuất phương án: Có thể cho viên chức làm LS nhưng không tham gia tố tụng mà chỉ làm tư vấn pháp luật. Phương án đề xuất này được nhiều Ủy viên UBTVQH đồng tình.
Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi phân tích: Giảng viên ĐH có thể làm trong hoặc ngoài giờ hành chính. Họ có thể lựa chọn chỉ cần được thủ trưởng đơn vị đồng ý. “Nếu chỉ vì sợ giảng viên không bố trí được thời gian mà cấm họ làm LS thì không thuyết phục”, ông Thi nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chung quan điểm: Cho gảng viên làm LS giúp họ nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập, và chỉ cho họ làm tư vấn thì không sợ ảnh hưởng đến việc giảng dạy.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K So’ Phước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn... cũng ủng hộ quy định nói trên. Trong điều kiện đất nước còn thiếu LS, việc cho giảng viên được làm LS tư vấn pháp luật vừa góp phần phát triển đội ngũ LS, tận dụng chất xám của họ, giúp họ tăng thêm thu nhập, đồng thời giúp giảng viên có điều kiện cọ sát thực tiễn, nâng cao trình độ, như vậy là “lợi cả đôi đường”.
Về điều kiện hành nghề của LS nước ngoài, Dự thảo Luật quy định, trưởng chi nhánh, giám đốc công ty luật nước ngoài tại Việt Nam phải có ít nhất 05 năm liên tục hành nghề LS thì mới được phép hành nghề tại Việt Nam, trong khi LS Việt Nam chỉ cần 02 năm hành nghề liên tục là có thể thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề LS. Thảo luận vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên là không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề trong và ngoài nước, do vậy đề nghị quy định thống là 02 năm để tránh “ đối xử phân biệt” |
Thu Hằng