Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất này là một dấu mốc quan trọng để hiện thực hóa những lĩnh vực ưu tiên đã được cam kết trong Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp.
Hội nghị được chủ trì bởi đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vương quốc Campuchia Ăng Vong Vatthana.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có trên 100 cán bộ là Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo chủ chốt của hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Campuchia; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Việt Nam và đại diện các cơ quan đảm nhận công tác tư pháp của 9 tỉnh Campuchia có chung đường biên giới. Bên cạnh đó là đại diện UBND tỉnh Tây Ninh - địa phương đăng cai tổ chức hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới cho sự tăng cường hợp tác giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Campuchia, quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp đường biên hai nước, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng, bình yên và bền vững của các tỉnh đường biên giới cũng như vào việc gìn giữ và tiếp tục thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Ăng Vong Vatthana cũng cho rằng Hội nghị lần này là sự kết hợp mới giữa các bên, đúng dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai nước. Đây là dịp để các quan chức, cán bộ ngành Tư pháp hai bên gặp nhau để bàn bạc, chia sẻ và tháo gỡ các vấn đề liên quan đến dân sự, hình sự, dẫn độ - chuyển giao tội phạm, hợp tác đào tạo, giáo dục pháp luật... giữa hai nước.
Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Ăng Vong Vatthana |
Tại Hội nghị, các đại biểu tiến hành trao đổi, thảo luận về tình hình hợp tác chung giữa hai Bộ Tư pháp, tình hình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và Hiệp định về dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên; đồng thời đưa ra những đề xuất hợp tác tư pháp trong thời gian tới giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia.
Chủ động triển khai có hiệu quả Bản Ghi nhớ
Sau quá trình thảo luận, Hội nghĩ đã thống nhất về nhiều vấn đề và đưa ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới trong dự thảo nội dung kết luận hội nghị.
Thứ nhất, Bộ Tư pháp hai nước sẽ tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả Bản Ghi nhớ về Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cam-pu-chia;
Thứ hai, các cơ quan hữu quan của hai nước tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, Hiệp định dẫn độ đã được ký kết; báo cáo các cấp có thẩm quyền, sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù ký ngày 20/12/2016 có hiệu lực và phối hợp thực hiện tốt các Hiệp định này sau khi có hiệu lực;
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Ăng Vong Vatthana trao tặng quà lưu niệm |
Thứ ba, các cơ quan hữu quan của hai nước tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, Hiệp định dẫn độ. Bộ Tư pháp hai nước tiến hành rà soát việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp, phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, trao đổi thông tin về đầu mối liên lạc của mỗi Bên. Đồng thời, hai Bên sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền, sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù ký ngày 20/12/2016 có hiệu lực và phối hợp thực hiện tốt các Hiệp định này sau khi có hiệu lực.
Thứ tư, Bộ Tư pháp hai nước tiếp tục triển khai thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên theo Điều 3 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Campuchia; tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của cả hai nước trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý của mỗi bên và cả hai nước.
Thứ năm, hai bên cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước sinh sống tại khu vực biên giới nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của mỗi nước và các quy định được hai nước thống nhất, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Bộ trưởng Tư pháp Ăng Vong Vatthana trao tặng quà lưu niệm cho nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường |
Thứ bảy, đề nghị Lãnh đạo các tỉnh có chung đường biên giới của cả Việt Nam và Campuchia quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các tỉnh vùng biên giới trong tương lai.
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ hai tại Campuchia vào thời gian thích hợp trong năm 2019.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu tổng hợp lại những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị |
Trong phần tổng kết, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định Hội nghị đã thành công tốt đẹp, rất nhiều vấn đề đã được các bên đưa ra và cùng bàn phương hướng tháo gỡ, xử lý. Trong tương lai, việc hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Campuchia chắc chắn sẽ có nhiều biến chuyển và sâu sắc hơn nữa. Bộ trưởng Lê Thành Long gửi lời cảm ơn tới tất cả các đại biểu đã tham dự, đóng góp ý kiến, xây dựng dự thảo.
Đẩy mạnh hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước
Báo cáo về tình hình hợp tác tư pháp giữa Việt Nam và Campuchia, bà Đặng Hoàng Oanh (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế) cho biết, quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia chính thức được thiết lập thông qua việc ký kết Bản Ghi nhớ về Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước vào ngày 22/12/2009 tại Phnôm-pênh.
Bản Ghi nhớ này là cơ sở pháp lý mở ra một bước phát triển mới, khẳng định những thay đổi về chất trong quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa Bộ Tư pháp hai nước, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của không chỉ Bộ Tư pháp hai nước mà còn của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia trong việc đẩy mạnh hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước, qua đó góp phần vào việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã của mỗi nước trong thời kỳ mới.
Trong thời gian qua, triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác này, Bộ Tư pháp hai nước đã tiến hành nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi các đoàn cấp cao (cấp Bộ, cấp Vụ và cấp chuyên viên).
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 5 vấn đề cần khắc phục và theo bà Đặng Hoàng Oanh cần quán triệt thực hiện các nội dung hợp tác pháp luật và tư pháp đã được Chính phủ hai nước thống nhất tại Biên bản Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia, Thông cáo chung của Hội nghị về Hợp tác và Phát triển giữa các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 9.
Đề nghị Bộ Tư pháp hai nước tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả Bản Ghi nhớ về Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia ký ngày 22/12/2009, nỗ lực triển khai các nội dung hợp tác năm 2017-2018 đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp hai nước...
Ký kết văn kiện hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp hai nước giai đoạn 2017 - 2018 |
Về việc thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai nước, các cơ quan hữu quan của hai nước tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, Hiệp định dẫn độ; Bộ Tư pháp hai nước khẩn trương tiến hành rà soát việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự. Hai bên sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù ký ngày 20/12/2016 có hiệu lực và phối hợp thực hiện tốt các Hiệp định này sau khi có hiệu lực.
Đề nghị Bộ Tư pháp hai nước tiếp tục triển khai thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên theo Điều 3 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Campuchia; tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý của cả hai nước trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trợ giúp pháp lý của mỗi bên và cả hai nước…
Mở ra cơ hội trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp
Trong khuôn khổ Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất, bên cạnh việc ký kết văn kiện hợp tác năm 2017-2018 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia, điểm nhấn mới trong việc phối hợp giữa ngành tư pháp hai nước đó là việc ký kết Biên bản hợp tác giữa Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp Việt Nam) và Học viện Đào tạo Tư pháp Hoàng gia (Bộ Tư pháp Campuchia).
Ký kết Biên bản hợp tác giữa Học viện Tư pháp Việt Nam và Học viện Đào tạo Tư pháp Hoàng Gia Campuchia |
Trao đổi với phóng viên PLVN, Tiến sĩ Đoàn Trung Kiên (Giám đốc Học viện Tư pháp) cho biết, Học viện Tư pháp đã có hơn 20 năm xây dựng và phát triển, trong quá trình đó, Học viện Tư pháp đã có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác, nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới. Việc ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Học viện Đào tạo Tư pháp Hoàng gia của Campuchia lần này sẽ mở ra cơ hội mới trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp của Việt Nam với Vương quốc Campuchia.