Cải cách tư pháp chậm vì xuất phát điểm chậm
Nội dung định hướng quan trọng cho việc triển khai thực hiện các hoạt động tư pháp và công tác cải cách tư pháp (CCTP) đã được đề cập rất cụ thể trong Báo cáo chính trị Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) Đảng khóa X với mục tiêu “xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Thời gian qua, dù công tác CCTP đã có nhiều kết quả, “tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp có một số đổi mới… Việc thực hiện các thủ tục tố tụng ngày càng tốt hơn” nhưng Báo cáo chính trị BCH TƯ Đảng khóa X cũng đánh giá “CCTP còn chậm, chưa đồng bộ”.
Theo ông Trịnh Xuân Toản (Vụ trưởng Vụ Pháp luật và CCTP – Văn phòng TƯ Đảng), CCTP còn chậm là so với các mục tiêu, lộ trình đã được đề ra. So với cải cách hành chính và luật pháp, CCTP “còn một khoảng cách khá xa” cũng bởi xuất phát điểm của CCTP chậm hơn so với các cuộc cải cách khác.
Do đó, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước, công tác CCTP phải được triển khai đồng bộ và phục vụ đắc lực cho việc xây dựng thượng tầng về chính trị, tư tưởng văn hóa phù hợp với nền tảng kinh tế của CNXH, tạo cơ sở để nước ta thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh. Các cơ quan và cán bộ tư pháp phải nêu cao tinh thần, vượt qua thách thức xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những định hướng cơ bản.
CCTP tiến hành đồng bộ với cải cách lập pháp và hành pháp, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ của các cán bộ tư pháp. Không chỉ có vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, có năng lực và tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Ưu tiên tính độc lập của cơ quan tư pháp
Nhìn nhận vấn đề CCTP từ văn kiện Đại hội Đảng XI của Việt Nam, Luật sư Charles B.Philpott cho rằng, trong CCTP cần ưu tiên đến quản lý quá trình CCTP, phân chia quyền lực, xây dựng năng lực thể chế và nhân lực, cải cách hành chính, chống tham nhũng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quan tâm đến dân chủ hóa và xã hội hóa cũng hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt, phải quan tâm đến tính độc lập và trách nhiệm tư pháp, các thủ tục tư pháp.
“Một xã hội thịnh vượng và bền vững cần phải có một nền tư pháp mạnh” – PGS.TS Nguyễn Đăng Dung nhấn mạnh khi đề cập đến trọng tâm của công tác CCTP ở nước ta. Theo ông Nguyễn Đăng Dung, đảm bảo nguyên tắc tòa án độc lập có hiệu lực trên thực tế là điều cần thiết để CCTP vì mục đích là “tránh sự phụ thuộc của thẩm phán vào quyết định của các quyền lập và hành pháp khiến các quyết định tùy tiện của thẩm phán khi phán xử các vụ việc có liên quan”.
Để đảm bảo được tính độc lập của tòa án thì một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc CCTP hiện nay là nhanh chóng tổ chức hoạt động xét xử của tư pháp vượt ra khỏi “vòng cương tỏa” của các đơn vị hành chính. Và CCTP phải cải thiện chất lượng và tính chính trực của các quyết định tư pháp thông qua việc đào tạo ra các thẩm phán độc lập và không dễ bị hăm dọa. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của thẩm phán để có những bản án công lý, tránh sự oan sai. “Muốn như vậy người thẩm phán phải là những người rất tài năng. Phải có chủ trương thu hút những người tài năng vào hoạt động của bộ máy tư pháp” – PGS.Dung gợi ý.
Một thói quen trong nhận thức xã hội có tác động không nhỏ đến chất lượng và tính phổ biến của hoạt động tư pháp chính là tư tưởng “ngại đến tòa án” nên vẫn có không ít trường hợp “tự xử theo kiểu mông muội”. Điều đó dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Xã hội càng phát triển, thì lại càng đòi hỏi cao hơn đối với hiệu quả xét xử của các cấp tư pháp. Do vậy, tăng cường văn hóa pháp luật cho người dân, không để tư tưởng “vạn bất đắc dĩ mới đến cửa quan” trở thành phổ biến trong xã hội cũng là một biện pháp để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động tư pháp nói riêng và công cuộc CCTP nói chung theo định hướng của văn kiện Đại hội Đảng XI.
* Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: “Tìm hiểu những vấn đề kế thừa về CCTP trong các văn kiện Đại hội Đảng XI, liên hệ, gợi mở về những nhu cầu đặt ra trong thời gian tới, phân tích các yêu cầu đặt ra trong công tác hợp tác quốc tế của cơ quan tư pháp, Tòa án, VKS, bổ trợ tư pháp, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về hỗ trợ của hợp tác quốc tế đối với CCTP, đồng thời, tìm hiểu chính sách lớn của Việt Nam đối với CCTP để góp phần xây dựng những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu của các bên”. * Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen: “Văn kiện Đại hội Đảng XI là tài liệu quí báu cho CCTP và chương trình đối tác tư pháp. Công cuộc CCTP cần có sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, để đảm bảo cho quyền lợi của mọi người dân, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, để CCTP có thể xây dựng được nền tư pháp dân chủ, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam”. |
Huy Anh