Hai ngân hàng Nhật Bản vừa cho PVN vay 95 triệu USD xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. |
Hội thảo “Các kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản – xu hướng đầu tư ra nước ngoài” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thời báo kinh tế Nikkei (Nhật Bản) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Ông Bùi Quang Vinh – tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết cho Việt Nam vay hơn 145 tỉ Yên (tương đương 1,76 tỷ USD) vốn ODA. Về đầu tư nước ngoài, tính đến nay, Nhật Bản có 1.560 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 21,6 tỷ USD, luôn đứng trong tốp dẫn đầu trong số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Trong suốt thời gian qua, hai bên đã hợp tác chặt chẽ, nhiều hiệp định quan trọng được ký kết. Mới đây nhất, tháng 7/2011, hai bên đã ký tiếp Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản lần 4, nhằm tập trung vào 6 nhóm vấn đề như điện lực, lao động, công nghiệp phụ trợ, hải quan, an toàn thực phẩm …
Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản trong nhiều năm qua đã trở thành quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, như: Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Canon, Panasonic… Trên thực tế, với sự có mặt của các “đại sứ công nghệ” đến từ Nhật Bản, ngành xe máy tại Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 95%, với khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trợ nội địa cung ứng các chi tiết, linh kiện.
Ông Hideo Naito, Trưởng ban Tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho hay, đối với Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành một đối tác ngoại thương dài hạn. Trong hai thập kỷ qua Việt Nam luôn được coi như một vùng đất triển vọng cho các công ty đa quốc gia, với các lợi thế về ổn định chính trị, nhân công giá rẻ và thị trường nội địa rộng lớn…
Một “làn sóng” đầu tư mới từ nước Nhật tái thiết sau thảm họa, có thể nói Việt Nam sẽ là một trong các “điểm đến”, vấn đề là chuẩn bị như thế nào?.
“Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, cơ hội không chờ chúng ta” - ông Y. Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nói như vậy khi lưu ý các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam về khả năng dòng đầu tư xuất phát từ Nhật Bản có thể rất nhanh chóng đổi hướng vào những thị trường mục tiêu khác, hay thậm chí là mất đi sự hưng phấn
Theo Hideo Naito, người Nhật hiện đang thay đổi cách tư duy về kinh doanh, định vị lại vai trò dẫn đầu tại thị trường châu Á bằng những sản phẩm công nghệ tiên phong, bao gồm cả các bí quyết sản xuất và nguồn nhân lực kỹ trị. Nhật Bản sẽ phát triển những ngành công nghiệp mới, như: cơ sở hạ tầng an toàn, khai thác các nguồn năng lượng thân thiện môi trường, xây dựng các thành phố thông minh…
Xu hướng này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam, vì - ông Hideo Naito nhấn mạnh - các vấn đề tồn đọng trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là: hạ tầng cơ sở yếu kếm, thiếu nhân lực chất lượng cao và hệ thống pháp lý phức tạp...
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn rất non yếu, tỉ lệ sử dụng các linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với mức tối ưu mà họ mong muốn. Sự èo uột của ngành công nghiệp phụ trợ đang cản trở đầu tư vào Việt Nam, cản trở công nghiệp hóa….
“Trong thời gian 5 năm tới, Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ. Dự kiến, Việt Nam sẽ phối hợp với Nhật Bản xây dựng thêm 2 Khu công nghiệp phụ trợ tại Vũng Tàu và Hải Phòng nhằm thu hút mạnh các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ Nhật Bản. Đồng thời, Chính phủ Việt nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới…” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.
Mai Hoa