Sau cuộc thi này, Lê Thị Dần được gọi là "ngôi sao vi diệu" và khá đắt show. Chị được mời diễn hài ở phòng trà, đám cưới, tham gia các game show truyền hình và cả tham gia đóng phim. Chị nói đây là niềm hạnh phúc khó tả đối với người phụ nữ miền sơn cước.
Bất ngờ thành “sao”
Sinh ra ở miền sơn cước, gia đình khó khăn, Lê Thị Dần chỉ mới học đến hết lớp 9. Ít tuổi, nhưng chị Dần phải làm rất nhiều việc nhà đỡ đần bố mẹ. Lớn lên, lấy chồng, sinh con, cái nghèo vẫn “bám riết” chị Dần.
Vợ chồng chị đến với nhau lúc cả hai còn nghèo khó, lại bị nhà gái phản đối vì chú rể tương lai một "tấc đất cắm dùi" không có, cuộc sống càng cơ cực. Để xoay vần 5 miệng ăn, vợ chồng chị mày mò làm nghề cắt tóc và làm thêm kẹo nhãn (đặc sản quê hương). Dù làm ngày, làm đêm, gia đình chị vẫn trong hộ “nghèo bền vững”.
Chị nổi tiếng trong thôn khi có giọng hát ngọt, chơi đàn guitar khá hay, hát cả tiếng Lào và đặc biệt là khả năng tấu hài. Tất cả những tài lẻ đó chị tự học. Với chiếc vô tuyến màn hình 14inch cũ, chị thường bật những chương trình hài và dễ dàng thuộc thoại của các nghệ sĩ.
Không những vậy, chị có thể sáng tác các trích đoạn hài với màn đối đáp đầy dỉ dỏm, chân thật, đầy duyên dáng. Chị Dần thường tham gia các chương trình nghệ thuật thôn, xã với tinh thần vui là chính, catsxe “miễn bàn”.
Nhiều lần đoàn văn công, nghệ thuật về tận địa phương biểu diễn, tuyển người và ngỏ ý đưa chị đi đào tạo nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối của chị Dần. Bởi hơn ai hết, chị hiểu vẫn còn đó gánh nặng cơm áo.
Nhìn ánh mắt ẩn giấu nhiều khao khát nghệ thuật xen lẫn tình yêu, sự hy sinh vì gia đình của vợ, anh Vũ Đình Hiếu - chồng chị Dần ấp ủ mãi ước mong một ngày nào đó giúp vợ mình có cơ hội đứng trên sân khấu lớn.
Vô tình biết được cuộc thi “Thách thức danh hài”, anh Hiếu đã đăng ký cho vợ đi thi. Trước quyết định này, chị Dần vô cùng sung sướng nhưng cũng không khỏi lo lắng, hoang mang. Một người phụ nữ người dân tộc, 40 năm chỉ loanh quanh ở vùng núi, nay lại tới thi thố mãi tận TP Hồ Chí Minh xa lắc. Chưa kể tới việc, tiền đi lại, ăn ở thi cử với chuỗi ngày dài tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn đối với gia đình “nghèo bền vững” như chị.
Nhưng rồi, được chồng động viên, chị dũng cảm bán đàn gà, lợn và vay mượn thêm họ hàng, làng xóm, hai vợ chồng khăn gói đi. Trước khi đi, chị thức nhiều đêm tự biên, tự diễn vài tiểu phẩm với “diễn viên cây nhà lá vườn” là chồng mình.
Vợ chồng chị tới TP. Hồ Chí Minh dự thi lòng đầy hồi hộp. Những người dân quê lần đầu tiên trong đời biết đến sự xa hoa, háo nhoáng phố phường như anh chị không khỏi ngập ngừng, lạ lẫm. Đứng trước những vị giám khảo có “tem, mác” như: Việt Hương, Trấn Thành, chị và chồng (diễn phụ) lấy hết can đảm để diễn.
Những câu chuyện của chị diễn trên sân khấu đều xuất phát từ thực tế cuộc sống. Mỗi tiểu phẩm đều do chính chồng chị duyệt, những chi tiết chồng góp ý chị đều thay đổi để hoàn chỉnh hơn. Không chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái qua những tiểu phẩm hài, chị còn khiến khán giả “đứng tim” khi ngẫu hứng với giọng ca cải lương ngọt ngào của mình.
Với tiểu phẩm của mình, chị mặc trang phục người Thái, chân trần diễn hài trên sân khấu. Bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, chị Dần tỏa sáng theo cách của riêng mình, không trộn lẫn.
Phần thi của chị Dần đã “hạ gục” các danh hài và khán giả, mang về giải thưởng 100 triệu đồng. Chị được khán giả nhớ tới câu nói đầy hài hước “nghèo bền vững” của mình. Nghệ sĩ hài Trấn Thành quý mến gọi chị là “ngôi sao vi diệu”. Chỉ sau một đêm, chị Lê Thị Dân trở thành hiện tượng làng giải trí.
Vẫn “nghèo bền vững”
Sau “Thách thức danh hài”, "ngôi sao vi diệu" Lê Thị Dần khá đắt show. Chị được mời diễn hài ở phòng trà, đám cưới, tham gia game show truyền hình và cả tham gia đóng phim. Chị phấn chấn khoe: "Mình đóng được 5 bộ phim rồi đấy! Nhưng toàn vai phụ thôi, mới đây có một bộ phim hài Tết, người ta mời mình làm vai chính luôn". Đây là niềm hạnh phúc khó tả đối với người phụ nữ miền sơn cước như chị.
Tuy được nhiều lời mời, nhưng chị Dần không “tham công, tiếc việc”. Chị phải dành thời gian để chăm mẹ già và hai cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chị lựa chương trình cũng như chi phí đi lại.
“Đúng là catxe 5- 20 triệu đồng/ bộ phim đóng vai phụ đối với gia đình tôi là con số lớn. Nhưng tính đi tính lại, trừ chi phí máy bay, ăn ở, chi tiêu tại TP. Hồ Chí Minh dài ngày thì chẳng dư dật ra là mấy. Còn 100 triệu đồng giải thưởng, trừ chi phí đi lại, ăn ở hàng tháng trời qua những tập thi, làm từ thiện, liên hoan với gia đình làng xóm, tôi chỉ còn đủ số tiền hơn 10 triệu sắm chiếc vô tuyến màn hình phẳng thay thế vô tuyến cũ sờn 14 inh”, chị Dần thành thực.
Nhiều người khuyên chị chuyển tới TP. Hồ Chí Minh để dễ dàng phát triển sự nghiệp, nhưng chị còn lần lữa: “Đúng là nghề này thì phải sống ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, chỗ tôi ở là vùng sâu vùng xa khó có thể phát triển được sự nghiệp. Nhưng điều kiện kinh tế của gia đình tôi bây giờ vẫn còn khó khăn, chưa thể sinh sống chỗ khác được. Huống hồ con cái đều học hành ở quê nên cũng rất phức tạp”.
Bởi thế, sau khi hoàn thành một số show diễn, chị Dần lại về quê miệt mài với công việc cũ làm kẹo và cắt tóc để duy trì sinh hoạt phí cũng như dành thời gian chăm sóc gia đình.
“Vợ chồng tôi cũng mới chân ướt, chân ráo từ TP HCM về nhà, cả ngày lẫn đêm lăn ra làm được mấy chục cân kẹo nhãn bán lấy tiền lo Tết. Hôm nào một giờ sáng cũng còn thức để làm cho kịp đơn hàng”, chị Dần chia sẻ.
Với cách nói chuyện chân chất, mộc mạc, dí dọm với chất giọng đặc sệt xứ Thanh, chị Dân hân hoan: “Từ ngày được mọi người biết tới, cuộc sống của tôi đầy màu sắc thi vị hơn. Tôi được đứng trên sân khấu thỏa sức với những tiểu phẩm mình tự sáng tác. Tôi được gặp, học hỏi cách diễn hài từ những nghệ sĩ nôi tiếng, được mở mang tầm mắt”.
Anh Hiếu nhìn vợ âu yếm: "Nhà tôi lúc nào cũng chỉ mơ ước được diễn trên sân khấu. Biết cô ấy đam mê như vậy tôi càng thương vì ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã 40 tuổi rồi. Trên đường cùng vợ vào TP HCM, tôi không chắc cô ấy sẽ đoạt giải cao, càng không nghĩ sau một lần đứng trên sân khấu mà có bao nhiêu người quý mến. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng dù sao vợ mình cũng đã thỏa mong ước bấy lâu nay. Thế thì lòng mình an tâm, nhẹ nhõm. Đó cũng chính là phần thưởng lớn nhất mà gia đình tôi có được.”
Việc chị nổi tiếng khá nhanh cộng với việc các “bầu sô” mời mọc cũng khiến cho một số người “ném đá”, những lúc đó chị rất buồn. Biết vậy, anh Hiếu động viên vợ cần cố gắng hơn trong dàn dựng tiểu phẩm, diễn xuất để khán giả thêm tin tưởng, yêu quý.
Tết gần kề, chị Dần và gia đình đang tranh thủ những ngày “nghỉ sô” để làm kẹo nhãn kịp đơn đặt hàng. Vừa làm kẹo, chị vừa hồi hộp đợi tới ngày sẽ được xem mình diễn trong các bộ phim và tiểu phẩm hài sẽ “trình làng” trong dịp Tết như phim hài: “Nhà nông vui vẻ”, “Enter”, “Ra phố tìm con”, “Hình nhân”, showgames “Hội quán thiếu lâm”. Đó là thành quả nghệ thuật của chị Lê Thị Dần trong suốt năm 2016.