Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và tham luận của các đại biểu dự Hội nghị cho thấy, điểm sáng nổi bật trong kết quả công tác năm 2020 là các hoạt động hữu nghị, hợp tác trong và ngoài nước để phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục thiên tai, triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại trong bối cảnh đại dịch, hưởng ứng tích cực, hiệu quả Năm Chủ tịch ASEAN. Đối ngoại nhân dân đã thể hiện là mặt trận đối ngoại linh hoạt, hiệu quả, phát huy được thế mạnh trong bối cảnh khó khăn, hỗ trợ đắc lực cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam.
Các chủ trương, quan điểm của Đảng, trong đó có Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về công tác đối ngoại nhân dân đã được các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Ban Đối ngoại Trung ương cùng với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác tham mưu, nâng cao hiệu quả quản lý, định hướng, phối hợp thực hiện các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đối ngoại nhân dân đã kịp thời điều chỉnh phương thức hoạt động, qua đó tiếp tục đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc.
Chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp tích cực của lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân vào những thành tựu đối ngoại chung của đất nước trong năm qua. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, năm 2021 là năm khởi đầu quan trọng, tạo đà cho các năm tiếp theo trong triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác đối ngoại nói chung, công tác đối ngoại nhân dân nói riêng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị quán triệt sâu sắc, nắm vững và bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ động thích ứng trước biến chuyển của tình hình. Hoạt động đối ngoại nhân dân cần đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Với phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân tăng cường phối hợp chặt chẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong đó, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân là những chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại nhân dân, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân tranh thủ sự đồng tình của nhân dân các nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước; tận dụng tối đa nguồn lực quốc tế, kết hợp với nội lực của đất nước, nắm bắt các cơ hội phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý, lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân cần chủ động nghiên cứu, mở rộng, phát triển chiều sâu trong quan hệ với các đối tác theo từng địa bàn và trên từng lĩnh vực; chủ động đề xuất các sáng kiến có lợi cho cộng đồng, cho đất nước trong các quan hệ hợp tác song phương và cơ chế đa phương.
Công tác thông tin đối ngoại cần nâng cao chất lượng hơn nữa, giới thiệu về Việt Nam đến bạn bè quốc tế, kịp thời đấu tranh có hiệu quả chống các luận điệu sai trái và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền…
Trên cơ sở thấu suốt quan điểm: "Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước ta. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ rõ, các ban, bộ, ngành cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và các chủ trương của Đảng về đối ngoại nói chung, đối ngoại nhân dân nói riêng.
Với những biến chuyển của tình hình thế giới, khu vực, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cần phải được quan tâm thường xuyên, bảo đảm lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân phải có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có kỹ năng hoạt động đối ngoại chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống chính trị cũng cần phải thường xuyên được cập nhật kiến thức, hiểu được vai trò, đặc thù của đối ngoại nhân dân, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo trong thực thi chức trách, nhiệm vụ.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, Ban Đối ngoại Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan tổng hợp các kiến nghị, đề xuất; nghiên cứu, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; rà soát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại nhân dân để trình Ban Bí thư khóa XIII cho ý kiến kịp thời cập nhật, bổ sung, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.
Tại Hội nghị, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng đã trao: Cờ thi đua tặng 5 tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2020; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đối ngoại nhân dân” tặng 22 cá nhân; Bằng khen tặng 24 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2020.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã phát động thi đua công tác đối ngoại nhân dân năm 2021./.