Cục THADS Hà Nội cho biết, trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 các cơ quan THADS trực thuộc thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và thụ lý, đôn đốc và theo dõi tổng số 20 bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trong đó, đã có 18 bản án, quyết định của Tòa án được thi hành xong. Trong 06 tháng đầu năm 2018, chỉ có 03 đơn vị trực thuộc Cục THADS thành phố Hà Nội đang theo dõi thi hành án hành chính, trong đó có 02 bản án, quyết định của Chi cục THADS quận Hoàng Mai và Chi cục THADS quận Long Biên, là bản án, quyết định còn tồn từ kỳ trước chuyển sang năm 2018 do Cơ quan phải thi hành án chưa chấp nhận với nội dung quyết định bản án của Tòa án.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực song thực tiễn thi hành án hành chính trên địa bàn Hà Nội còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Cục THADS Hà Nội, thực tế hiện nay, tòa án hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý, giải quyết rất nhiều các vụ án hành chính (ví dụ, tại riêng cấp Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 2017 đã thụ lý mới tới 516 vụ), tuy nhiên, số lượng bản án, quyết định của Tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án để thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính là rất ít, trong 03 năm gần nhất chỉ thụ lý đôn đốc, theo dõi tổng cộng 20 bản án, quyết định của Tòa án.
Khó khăn nữa là việc thi hành bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án về các vụ án hành chính, người phải thi hành án đại đa số là Chủ tịch hoặc UBND cấp tỉnh, huyện và cấp phường, xã chính quyền địa phương. Đây là những chủ thể đặc biệt trong mối quan hệ phối hợp trong hoạt động tổ chức THADS và trong hoạt động tổ chức, hành chính, trong công tác công đoàn và công tác đảng.
Do đó, trong một số vụ việc, cơ quan THADS khi ra thông báo thi hành án, nội dung thông báo thi hành án cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Ngoài ra, khi chấp hành viên tiến hành làm việc, lập biên bản với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án, đa số các trường hợp người phải thi hành án là Chủ tịch UBND các cấp. Thực tế việc này cũng gặp không ít khó khăn vì Chủ tịch UBND thường bận hoặc một số trường hợp do không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án nên không thi hành án, không phối hợp; và luật cũng không quy định rõ về ủy quyền trong thi hành án hành chính, do đó, chấp hành viên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục làm việc, lập biên bản làm việc với người phải thi hành án.
Một số vụ việc án hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nội dung Tòa án tuyên hủy bỏ quyết định phê duyệt phương án bồi thường, đền bù, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, quận huyện. Tuy nhiên, nội dung bản án chỉ tuyên hủy bỏ quyết định hành chính, không tuyên rõ các nội dung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các bên phải thực hiện là gì, không xem xét trên thực tế quyết định hành chính bị hủy bỏ đó đã thực hiện hay chưa, và không tuyên rõ việc cơ quan đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật như thế nào.
Trong bối cảnh tình hình thực tế các vụ án tranh chấp, khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính ngày càng gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác tham mưu quản lý nhà nước về thi hành án hành chính của các cơ quan THADS nói riêng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn.
Để nâng cao chất lượng tham mưu quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính cần phải đảm bảo các yêu cầu, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án cho rằng công tác tham mưu phải bám sát thực tế, nắm bắt kịp thời, tổng hợp và phân tích đúng thực trạng quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính để triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ; người làm công tác tham mưu phải có kinh nghiệm trải qua công việc thực tế, gắn chặt công tác tham mưu với hoạt động thực tiễn, nhất là hoạt động thực tiễn tại các cấp cơ sở.
Đồng thời, cần kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến đối các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để khích lệ tinh thần, tạo sức lan tỏa, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả công tác.