Với Hoài Ân, sản xuất nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp chiếm hơn 60% trong tổng cơ cấu giá trị kinh tế toàn huyện. Và điều đáng ghi nhận là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên.
Anh Trần Bảo Diệp (ngụ thị trấn Tăng Bạt Hổ) là người đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau, quả. Anh ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao như: trồng rau, quả trong nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động hẹn giờ, điều khiển sản xuất trên điện thoại thông minh, bón phân vi sinh để tạo ra những sản phẩm theo hướng hữu cơ theo chuẩn VietGAP.
“Trồng ở trong màng, tôi có thể kiểm soát được sâu bọ, môi trường để các loại rau, quả sinh trưởng tốt mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu. Có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch. Đặc biệt, dưa lưới, dưa hấu treo giàn… đẹp về mẫu mã, đều về kích cỡ, có chất lượng thơm ngon nên rất được thị trường ưa chuộng”, anh Diệp cho hay.
Anh Diệp là người đầu tiên ở Hoài Ân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại rau, quả. |
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: bưởi da xanh, dừa xiêm, mít thái, trà Gò Loi, gạo hữu cơ, bún gạo khô, mật ong dú, tiêu hột… được rất nhiều người tiêu dùng trong, ngoài huyện và ngoài tỉnh Bình Định ưa chuộng, tin dùng. Đặc biệt, toàn huyện có 45 ha bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ cho thu hoạch, năng suất, sản lượng khá.
Bên cạnh các sản phẩm nông sản, Hoài Ân hiện có 5 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao. Toàn huyện còn có 1.960 trang trại chăn nuôi heo quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường.
Ngoài ra, địa phương này còn phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo chất lượng cao, gà ta thả vườn. Nhiều hộ áp dụng hướng chăn nuôi gà hữu cơ bằng cách sử dụng một số thảo dược cho vào thức ăn. Những mô hình này đang mang lại giá trị kinh tế rất cao so với chăn nuôi theo kiểu truyền thống.
Bưởi da xanh Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. |
Các sản phẩm ở Hoài Ân, gồm: bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm, tiêu hột, gà ta thả vườn, heo đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Bên cạnh đó, địa phương có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương được duy trì phát triển, mở rộng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được người tiêu dùng trong khắp cả nước ghi nhận, đánh giá cao… đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển gắn với hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao ở các địa phương.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chủ lực. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định, bền vững với giá thành sản phẩm tương xứng với đầu tư.
Gà ta thả vườn ở Hoài Ân được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. |
Đặc biệt, Hoài Ân sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo từng lĩnh vực phù hợp với thế mạnh, điều kiện phát triển của từng vùng, địa phương. Trong đó, tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo chất lượng cao, gà ta thả vườn…
“Huyện cũng sẽ tiếp tục phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung với quy mô diện tích lớn, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tự động, tiết kiệm, bón phân vi sinh… đảm bảo sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận OCOP. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng cây ăn quả chủ lực của huyện đạt chứng nhận VietGAP đạt trên 250 ha và được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, hướng đến xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm bưởi da xanh sang thị trước ngoài nước”, ông Khúc nhấn mạnh.