Một kết quả xét nghiệm của Phòng thí nghiệm TUV Rheinland đối với đồ chơi UFO (đĩa bay) Trung Quốc đang lưu hành tại Việt Nam cho thấy, sản phẩm này đang chứa nhiều chất độc hại, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng…
Giá rẻ như … bèo
Khảo sát của phóng viên cho thấy, tại phố Lương Văn Can (Hà Nội), nhiều loại đồ chơi kết cấu từ nhựa được bán tràn lan. Trong đó, có những mặt hàng không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã của các sản phẩm cũng khác nhau, nhìn khá bắt mắt.
Trong số các mặt hàng dành cho trẻ em, thời gian gần đây xuất hiện loại đồ chơi đĩa bay dành cho lứa tuổi này và rất được ưa chuộng. Kích thước của mặt hàng này cũng khá gọn, phần trên có kết cấu giống chong chóng, phần dưới là tay cầm để làm “bệ phóng” khi người chơi thực hiện động tác phóng đĩa bay lên cao.
Mặt hàng đĩa bay không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường. |
Chị Nguyễn Thúy Vân, một khách hàng cho biết, đĩa bay là loại đồ chơi chỉ dành cho người lớn. Lý do ra mua loại đĩa bay này là giá rẻ, theo cách nói của khách hàng Vân là rẻ đến … bất ngờ. “Chất lượng sản phẩm thì khách hàng làm sao biết được”, chị Linh cho hay.
Theo khảo sát, loại đĩa bay không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ đến không ngờ. Màu sắc của từng chiếc đĩa bay cũng khác nhau, từ đỏ, tím nhạt, xanh… và được kết cấu khá đơn giản. Một khách hàng mua sản phẩm này cho biết, giá mỗi chiếc đĩa bay chỉ có 12.000đ!.
Mức giá này chênh lệch rất lớn so với loại hàng được phân phối chính thức và có xuất xứ rõ ràng đang lưu thông tại thị trường Việt Nam. Theo tìm hiểu, loại đĩa bay “chính hãng” bán hợp pháp ở thị trường trong nước là 129.000đ/chiếc.
Hiểm họa khôn lường
Trong khi mặt hàng đĩa bay thiếu nguồn gốc xuất xứ đang bày bán tràn lan tại Việt Nam, thì một kết quả “test” hóa của Phòng thí nghiệm TUV Rheinland cho đồ chơi UFO (đĩa bay) Trung Quốc lại đưa ra một kết quả đáng lo ngại. Theo đó, các loại đồ chơi này không đạt các tiêu chuẩn an toàn về đồ chơi như EU packaging directive 94/62/EC, EN71 Part 3, REACH. Trong các mẫu đĩa bay xuất xứ Trung Quốc mà TUV Rheinland đã phân tích cũng đều phát hiện hàm lượng các chất phthalates vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Chất này là chất rất độc hại và có ảnh hưởng lớn sức khỏe của trẻ em nói riêng và người sử dụng sản phẩm có chứa chất này nói chung.
Được biết, các chất Phthalates thường được sử dụng trong nhựa để gia tăng độ mềm dẻo, là chất tạo dẻo trong các sản phẩm PVC, như vải sợi có lớp phủ, định dạng sản phẩm, là chất tạo dẻo trong sơn, chất phủ bề mặt gỗ, kim loại và nhựa, là chất tạo dẻo trong nhiều loại hợp chất cao phân tử: keo, mực...
Theo một chuyên gia về y tế, tác hại của phthalates có thể làm ảnh hưởng đến gan và thận, hormon và đặc biệt gây hại đến thai nhi, gây đột biến.
Báo cáo của CASE (Hiệp hội người tiêu dùng của Singapore) đăng trên Channel NewsAsia (ngày 16/08/2010) cũng cho thấy, gần một nửa đồ chơi được kiểm nghiệm chứa chất độc gây hại. Trong đó có nhiều mẫu đồ chơi hàm lượng Phthalates cao gấp 5000 lần giới hạn cho phép của các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Với hàm lượng có thể gây ung thư cho người tiếp xúc. Trong 50 mẫu đồ chơi mà CASE lấy ngẫu nhiên có 23 mẫu hàm lượng Phthalate và chì cao hơn rất nhiều mức cho phép. Các đồ chơi có mầu sắc sặc sỡ thường chứa hàm lượng chì rất lớn còn trong các đồ chơi bằng nhựa thì lượng Phthalates thường vượt mức cho phép rất lớn. Các đồ chơi không đạt tiêu chuẩn được CASE thông báo trên web site với hình ảnh và các thông tin về nhà phân phối và nhà bán lẻ theo đó người tiêu dùng sẽ được hoàn trả lại đồ chơi không đạt tiêu chuẩn đã mua.
Case khuyến cáo khách hàng đọc kỹ bao bì sản phẩm đồ chơi trước khi mua, như nước sản xuất, các tiêu chuẩn an toàn đạt được CE, EU,.. Và quan trọng hơn là thông tin của đại lý phân phối và nhà nhập khẩu.
Hàn Thủy