Băn khoăn về mở rộng phạm vi điều chỉnh
Một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau nhất của dự thảo Luật là quy định về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Bên cạnh việc kế thừa Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định theo hướng mở rộng việc áp dụng Luật PCTN đối với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước. ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhất trí với đề xuất của ban soạn thảo vì trên thực tế hiện nay tham nhũng có “sân sau” là các đơn vị tư.
“Chính những đơn vị tư bắt tay với đơn vị công. Vì thế chúng ta phải đấu tranh với vấn đề này”, ĐB nói. ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh các đối tượng ngoài nhà nước là cần thiết vì các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng có thể câu kết với các cán bộ thuế làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ngược lại, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị không đưa doanh nghiệp vào vì các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật khác, kinh doanh trên nguyên tắc bỏ vốn và tự điều chỉnh với nhau, Nhà nước không can thiệp. Nhận thấy dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước là có ý đồ nhằm đáp ứng được công cuộc PCTN toàn diện hơn nhưng ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cũng cho rằng công cuộc đấu tranh PCTN của chúng ta hiện nay trong khu vực nhà nước vẫn chưa đạt hiệu quả cao nên giờ mở ra ngoài nhà nước sẽ khó khăn. “Theo quan điểm của tôi có lẽ chưa đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật”, ĐB nói.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cảnh báo về khả năng các quy định của dự thảo Luật can thiệp sâu vào hoạt động của các công ty, có thể vi phạm Hiến pháp, vi phạm quyền tự do kinh doanh. ĐB này cũng cho rằng với hoạt động của các công ty thì đã có luật chuyên ngành để điều chỉnh nên nếu lo ngại tham nhũng lây lan sang khu vực tư thì sửa các luật như Luật Các tổ chức tín dụng làm cơ sở để chặn tham nhũng sẽ hợp lý hơn, tránh khả năng không chống được tham nhũng lại ảnh hưởng đến môi tường đầu tư.
Trước những băn khoăn này, chỉ ra rằng Việt Nam đã ký công ước về PCTN bao gồm cả các điều khoản về PCTN trong khu vực tư và nghị quyết TƯ cũng ghi rõ tiến tới kiểm soát tham nhũng trong khu vực tư, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhận định việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như trong dự thảo Luật là phù hợp và không đến mức đáng băn khoăn vì chỉ mở rộng ở một số lĩnh vực là công ty đại chúng, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội. “Đây là những lĩnh vực rất dễ xảy ra tham nhũng. Tôi cho rằng cần mở rộng vì trong lý luận kinh tế - chính trị thì những đầu sỏ tài chính mới là những người lũng đoạn chính sách, tham những rất lớn, là tham nhũng chính sách”, ĐB nói và đề xuất ban soạn thảo phải nói rõ mở rộng đến đâu để tránh lạm dụng thanh tra, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu kê khai tài sản quốc gia
Tại phiên họp, các ĐB cũng dành nhiều thời gian cho ý kiến về vấn đề kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo dự thảo Luật, Chính phủ trình QH 2 phương án là mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch và thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức. Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đồng tình với phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập vì không phải các đối tượng có chức vụ mới liên quan đến tham nhũng.
Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền cho rằng vấn đề quan trọng là chúng ta là không kiểm soát được tài sản, không biết mỗi người có bao nhiêu tài sản nên kê khai chỉ là hình thức. Theo ĐB, quan trọng nhất là kiểm soát thu nhập của từng người. Do vậy, ĐB đề nghị nên giữ nguyên quy định kê khai và có hình thức công khai bản kê khai rộng rãi hơn, có thể là công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. “Công khai như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân nhưng đã là công chức, cán bộ thì phải chấp nhận. Nếu không thì ra ngoài”, ĐB nói.
Cũng cho rằng hiệu quả kiểm soát bản kê khai tài sản, thu nhập hiện chưa đạt yêu cầu, ĐB Hoàng Văn Liên (Long An) cho rằng phải có công khai bản khai ở nơi cư trú để những người xung quanh giám sát. Bên cạnh đó, ĐB cũng cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu kê khai tài sản quốc gia, liên thông từ trung ương tới địa phương để kiểm soát tài sản, thu nhập của các đối tượng phải kê khai.
Còn ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng vấn đề quan trọng Nhà nước phải có chính sách để cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cuộc sống không xa hoa nhưng đủ sống, có thể gác lại nỗi lo cơm áo gạo tiền để phục vụ mẫn cán. ĐB đề xuất nghiên cứu về việc có khoản “tiền dưỡng liêm” để cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. ĐB Phòng cũng cho rằng đây là luật rất quan trọng, được dư luận cử tri rất quan tâm nhưng hiện nay còn ngổn ngang và còn nhiều ý kiến khác nhau nên ít nhất cũng phải được thảo luận lấy ý kiến ở 3 kỳ họp trước khi thông qua.