Sửa khung giá nước sạch
Hiện nay giá nước sạch hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 75).
Đến nay sau 8 năm thực hiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch đã có nhiều thay đổi, điều kiện sản xuất kinh doanh, định hướng quản lý giá của nhà nước cũng có nhiều điểm mới. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 75 là cấp thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện cho các đơn vị cấp nước, cơ quan quản lý thực hiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng nước.
Cụ thể, tại dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính đề xuất khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy định như sau: Đối với Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3; giá tối đa là 18.000 đồng/m3; Đối với Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn giá tối thiểu là 2.000 đồng/m3; giá tối đa là 11.000 đồng/m3; Đối với công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy thì giá tối thiểu là 500 đồng/m3; giá tối đa là 7.000 đồng/m3.
Riêng các trường hợp đặc thù như vùng nước ngập mặn, vùng ven biển, vùng có điều kiện sản xuất nước khó khăn, chi phí sản xuất và cung ứng nước sạch sinh hoạt cao hơn mức giá tối đa của khung giá do Bộ Tài chính ban hành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cho phù hợp.
5 nguyên tắc xác định giá nước sạch
Theo đó, Dự thảo Thông tư đưa ra 5 nguyên tắc xác định giá bán nước sạch. Thứ nhất, giá bán nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ (bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối) để các đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật….
Thứ 2, giá nước sạch của đơn vị cấp nước không phân biệt theo thành phần kinh tế; không phân biệt đối tượng sử dụng nước là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài, nhưng được xác định cho từng mục đích sử dụng nước cho sinh hoạt và cho mục đích khác ngoài sinh hoạt, có tính đến hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp; giá nước sạch sinh hoạt phù hợp với khung giá nước sạch sinh hoạt được quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Thứ 3, các đơn vị cấp nước bán lẻ nước sạch cho cả mục đích sinh hoạt và mục đích khác ngoài sinh hoạt, căn cứ giá nước sạch cho sinh hoạt do UBND tỉnh quy định, tự quyết định giá nước sạch cho mục đích ngoài sinh hoạt đảm bảo cơ chế bù giá giữa các nhóm khách hàng có mục đích sử dụng khác nhau và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ 4, đối với nước sạch bán cho mục đích khác ngoài sinh hoạt, trường hợp không thống nhất được mức giá thì một trong hai bên (hoặc cả hai bên) có quyền yêu cầu tổ chức hiệp thương giá theo quy định của pháp luật.
Thứ 5, đối với khu vực nông thôn, trường hợp để phù hợp với điều kiện kinh tế trên địa bàn và khả năng chi trả của người dân mà UBND tỉnh phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt bình quân thấp hơn giá thành nước sạch bình quân được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí theo nguyên tắc, phương pháp quy định tại Điều 7 Thông tư này, đơn vị cấp nước không điều hòa được giá nước cho mục đích sinh hoạt và giá nước cho mục đích khác, UBND tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền cấp bù cho đơn vị cấp nước hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý phù hợp với thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.
Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, trường hợp người dân không đủ khả năng chi trả với mức giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều này, thực hiện cung cấp nước sạch theo quy định của pháp luật hiện hành về cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.