Theo Bộ Công an, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ, quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, cho thấy, cần phải mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ, đồng thời cũng cần quy định cụ thể hơn nữa về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh để thuận tiện áp dụng.
Một số vấn đề thực tiễn đặt ra khi cho phép tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cũng cần được hoàn thiện hơn như khi đến thời hạn chấp hành quyết định xử phạt nhưng người vi phạm không đến giải quyết thì số tiền đặt bảo lãnh được xử lý theo trình tự, thủ tục như thế nào hoặc khi nào thì xác định trường hợp được đặt tiền bảo lãnh đã chấp hành xong quyết định xử phạt…
Chính vì thế, trong Dự thảo Nghị định này, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa nhiều quy định tại Điều 15 “Đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính”.
Theo đó, phương tiện giao thông bị tạm giữ hành chính có thể được đặt tiền bảo lãnh nếu cá nhân vi phạm có giấy tờ xác nhận nơi công tác, địa chỉ thường trú rõ ràng, có nơi giữ, bảo quản phương tiện đáp ứng các điều kiện quy định và có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.
Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.
Việc đặt tiền bảo lãnh và trả lại tiền bảo lãnh phải được lập thành biên bản, ghi rõ các chi tiết như ngày, tháng, năm đặt/nhận tiền bảo lãnh, họ, tên, chức vụ của người quyết định cho đặt tiền bảo lãnh, tên tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh; lý do, mức tiền, thời hạn đặt tiền bảo lãnh… Biên bản phải có chữ ký các bên, được lập thành hai (02) bản, mỗi bên giữ một bản.
Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải được lập biên bản theo quy định. Có một điểm mới trong Dự thảo này so với các văn bản trước đây là quy định rõ phương tiện vi phạm trong thời gian được giao cho tổ chức, cá nhân giữ, bảo quản sẽ không được phép lưu hành. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm đưa vào lưu hành phương tiện vi phạm đang được giao giữ, bảo quản thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện sẽ xem xét, quyết định việc chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định này để thi hành quyết định xử phạt.
Trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi đã trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định khấu trừ tiền đặt bảo lãnh, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi quyết định khấu trừ tiền đặt bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt theo địa chỉ ghi trong quyết định xử phạt.
Quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh được coi là căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm đã thi hành quyết định xử phạt VPHC và được phép đưa vào lưu hành phương tiện vi phạm đang được giao giữ, bảo quản.
Các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh:
- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự.
- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.