Đề xuất miễn giảm thủ tục cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ Giao thông vận tải, cần có quy định miễn giảm về thủ tục vào, rời cảng; đặc thù về quản lý tàu thuyền neo đậu tại cảng, bến cho những đối tượng tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân.

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2022/NĐ-CP ngày 23/9/2022 và Nghị định số 74/2023/NĐ-CP ngày 11/10/2023.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu hoạt động cá nhân trong vùng nước cảng biển khác với hoạt động tàu hoạt động thương mại và vận tải dịch vụ hàng hóa hoặc chở khách. Vì vậy, cần có quy định miễn giảm về thủ tục vào, rời cảng; đặc thù về quản lý tàu thuyền neo đậu tại cảng, bến cho những đối tượng tàu thuyền này.

Cụ thể, về hoạt động lặn vệ sinh định kỳ phần dưới nước của tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định miễn giảm thủ tục tại điểm e khoản 2 Điều 62 của Nghị định và giao cho chủ cảng, bến dành cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân chịu trách nhiệm.

Về quy định trực ca khi tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động tại cảng, bến, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất: Trường hợp chủ cảng, bến bố trí nhân lực cảnh giới chu đáo, sẵn sàng điều động, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân thì không phải thực hiện bố trí trực ca theo quy định tại Điều 69 Nghị định.

Các quy định cụ thể cho tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân khi vào, rời khu vực hàng hải thì thực hiện thủ tục như tàu thuyền vào rời cảng biển.

Khi tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển do một cảng vụ quản lý thì Cảng vụ hàng hải hoặc Cảng vụ Đường thủy nội địa cấp Lệnh điều động cho tàu.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung khoản 4, 5 vào sau khoản 3 Điều 71 (Điều kiện tàu thuyền rời cảng biển) Nghị định số 58/2017/NĐ-CP như sau:

Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân vào, rời khu vực hàng hải trong một vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải thực hiện thủ tục đến cảng cho tàu thuyền.

Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển thì Cảng vụ hàng hải cấp lệnh điều động bằng văn bản theo Mẫu số 45a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân vào, rời cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải thì Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện thủ tục đến cảng cho tàu thuyền. Tàu thuyền buồm, tàu thuyền thể thao, tàu thuyền du lịch của cá nhân hoạt động trong vùng nước cảng biển thì Cảng vụ đường thủy nội địa cấp Lệnh điều động bằng văn bản theo Mẫu số 45a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải kế hoạch hoạt động của tàu để giám sát.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 62 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP như sau: Chỉ được tiến hành các các hoạt động lặn (lặn phục vụ kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền; lặn trục vớt tàu thuyền, tài sản chìm đắm), hoạt động sửa chữa, hạ xuồng cứu sinh hoặc các công việc ngầm dưới nước liên quan đến hoạt động hàng hải sau khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

Thủ tục xin phép thực hiện như sau: Người làm thủ tục gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cảng vụ hàng hải văn bản đề nghị theo Mẫu số 35 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Chậm nhất 04 giờ làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 69 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP nêu rõ quy định trực ca khi tàu thuyền hoạt động tại cảng như sau:

1. Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng biển, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên trực ca, cảnh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt neo, đứt dây buộc tàu, khi dây buộc tàu quá căng hay quá chùng hoặc các nguy cơ gây mất an toàn khác đối với tàu thuyền, hàng hóa và người trên tàu; phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, phương tiện dự phòng ở trạng thái sẵn sàng hoạt động.

2. Khi neo đậu trong vùng nước cảng biển, trên tàu luôn duy trì ít nhất 2/3 số lượng thuyền viên của tàu thuyền với các chức danh phù hợp, trong đó phải có thuyền trưởng hoặc đại phó và máy trưởng hoặc máy hai để điều động tàu thuyền hoặc xử lý trong các trường hợp khẩn cấp.

3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm thông báo cụ thể cho thuyền trưởng biết kế hoạch tránh bão, khu tránh bão, các chỉ dẫn hàng hải cần thiết và biện pháp phòng ngừa trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý mà tàu thuyền đang hoạt động.

4. Trường hợp có bão, tàu thuyền phải nhanh chóng di chuyển đến khu tránh bão theo lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.