Đề nghị Trung ương Đảng xem xét kỷ luật ông Lê Thanh Hải

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các ông Dương Văn Thái và Mai Tiến Dũng, xem xét thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải. Ban Bí thư quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Thái Hà, Nguyễn Văn Khước, Lê Tuấn Hồng và Hồ Văn Điềm...

Ngày 14/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy:

1. Đối với vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và các cá nhân có liên quan

Từ trái qua: Ông Lê Thanh Hải, ông Lê Hoàng Quân, ông Nguyễn Thành Phong. Ảnh: TTXVN

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất, tài chính, tài sản, đầu tư, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn, kéo dài qua các thời kỳ, gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ thiệt hại, thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, để xảy ra các vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố.

Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Đảng bộ, chính quyền Thành phố, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, để xảy ra nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố.

Các đồng chí: Lê Hoàng Quân, nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thành Phong, nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại, thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, để xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền Thành phố.

2. Đối với vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án/gói thầu liên quan đến Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), "hệ sinh thái" AIC, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và tại một số dự án sử dụng đất, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thiệt hại rất lớn về tiền, tài sản của Nhà nước, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong công tác cán bộ, giảm sút sức chiến đấu; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận bức xúc. Ban Thường vụ, trực tiếp là Thường trực Tỉnh uỷ để doanh nghiệp lũng đoạn, chi phối, can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; Thường trực Tỉnh ủy mất đoàn kết nghiêm trọng; nhiều cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, nhận hối lộ, bị kỷ luật, xử lý hình sự làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

3. Đối với vi phạm của một số đảng viên tại các Đảng bộ: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Gia Lai, Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Văn phòng Quốc hội

Từ trái qua: ông Mai Tiến Dũng, ông Dương Văn Thái. Ảnh: TTXVN

Các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Mai Tiến Dũng, nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phạm Thái Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; Lê Tuấn Hồng, nguyên: Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; Hồ Văn Điềm, nguyên: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các tổ chức đảng và các cá nhân nêu trên; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo: Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các đồng chí: Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thành Phong; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí Dương Văn Thái và Mai Tiến Dũng, xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Lê Thanh Hải. Ban Bí thư quyết định Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Phạm Thái Hà, Nguyễn Văn Khước, Lê Tuấn Hồng và Hồ Văn Điềm.

Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.

Đọc thêm

Khai thác tối đa hiệu của các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP Hà Nội. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị TP Hà Nội nói chung, HĐND TP nói riêng nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và huy động sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có.

Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
(PLVN) - Sáng nay - 01/7/2024, TP HCM và các địa phương trong cả nước đồng loạt tổ chức Lễ ra mắt Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu thời điểm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành.

Kinh nghiệm phát triển từ Bắc Giang

Ảnh minh họa
(PLVN) - Kinh tế cả nước vừa bước qua 6 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu tích cực, nhất là về tăng trưởng. Theo đó, nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng GRDP 2 chữ số, Bắc Giang trở thành “quán quân”, tăng trưởng hơn 14%.

Làm rõ giải pháp, lộ trình thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Hình ảnh tại cuộc làm việc. (Ảnh: MT)
(PLVN) - Đây là ý kiến được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” với Chính phủ diễn ra cuối tuần qua.