Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước trực thuộc Ủy ban về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, TCty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, TCty là mô hình mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trước đó và tham khảo kinh nghiệm thế giới, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, bản thân nền kinh tế cũng có nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết.
Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và sau đó ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, TCty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tựu, kết quả đã đạt được của Ủy ban và 19 tập đoàn, TCty thuộc Ủy ban đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của đất nước.
Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ nhận định, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, TCty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.
Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, TCty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, có 3 nguyên nhân chủ quan lớn dẫn đến các tồn tại, hạn chế: vướng mắc về pháp lý; sự phối hợp chưa thực sự chặt chẽ, chưa hiệu quả giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn; và sự nỗ lực, cố gắng, chủ động của Ủy ban và các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa. Ủy ban là mô hình mới, cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn.
Thủ tướng yêu cầu, các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết, có trách nhiệm với nhau, chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, TCty. Các doanh nghiệp phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, không trông chờ, ỷ lại, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và Chính phủ sẽ tích cực, khẩn trương xử lý các đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Việc triển khai nhiệm vụ năm 2023 có khó khăn, thách thức đan xen cơ hội và thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, TCty, Thủ tướng đề nghị 19 tập đoàn, TCty nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác; điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng. Đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng điều kiện mới và hoàn cảnh Việt Nam;
Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, các ngành mới nổi liên quan tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…;
Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, chủ trương lớn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực.
Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình Ủy ban tốt nhất có thể, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao; tích cực, chủ động xử lý xong dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.
Ủy ban đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số… cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch để tìm được người tài; nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các vấn đề phát sinh, vượt quá thẩm quyền… để huy động nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Thường vụ Quốc hội, phấn đấu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6 cuối năm 2023.
Các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước. Góp ý với Uỷ ban hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định đối với Đề án đầu tư tổng thể cho các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước trực thuộc. Thực hiện vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quyền, chức năng nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu, trong đó có Uỷ ban.
Thủ tướng đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu đề xuất tăng cường hiệu lực, hiệu quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế, chính sách đã được Chính phủ quyết nghị về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước vào phát triển kinh tế-xã hội để nhanh chóng khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn, TCty trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, không để các vướng mắc về thể chế, chính sách đã được nêu tại Hội nghị này tiếp tục trở thành điểm nghẽn cho Ủy ban và các tập đoàn, TCty.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc thực hiện một số quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, chủ trì, nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển riêng một số tập đoàn kinh tế, TCty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu cơ chế phù hợp tăng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì sửa đổi quy định về chuyển mục đích Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư cho các vườn ươm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo...