Để 'mỗi ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật'

Hội thi Hòa giải viên toàn quốc lần thứ III là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11 năm 2016
Hội thi Hòa giải viên toàn quốc lần thứ III là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật 9/11 năm 2016
(PLO) - Từ chỗ còn mới mẻ thì đến nay Ngày Pháp luật đã trở thành hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương; dần tạo thói quen học tập pháp luật với người dân trên cả nước. Nhìn lại 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật, là những đánh giá, cảm nhận của những cán bộ làm công tác pháp luật trên nhiều cương vị khác nhau…

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng: Ngày Pháp luật đã trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị, pháp lý sôi nổi, thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị quân đội

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Trong Quân đội công tác này được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện từ rất sớm; chính vì làm tốt công tác này, đã góp phần quan trọng tạo sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho Quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trong Quân đội lại càng có ý nghĩa.

Từ khi Ngày Pháp luật Việt Nam được công bố, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai rộng khắp bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động và đã thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị, pháp lý sôi nổi, thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị quân đội; góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng thành các quy định của pháp luật và nhanh chóng đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quản lý nhà nước bằng pháp luật và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình hiệu quả (làm sao công tác tuyên truyền, PBGDPL phải bảo đảm cho bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện); tạo phong trào rộng rãi trong toàn quân đối với công tác này; gắn công tác PBGDPL với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua quyết thắng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả của việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy cơ quan, đơn vị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: Công tác PBGDPL là việc làm thường xuyên, liên tục

Kể từ khi triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam, công tác tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân Thủ đô.

Các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn thành phố đã bám sát và phục vụ kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đã được triển khai và nhân rộng, tạo thành một phong trào tìm hiểu pháp luật sâu, rộng trên địa bàn Thủ đô. 

Để Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, trở thành các hoạt động, việc làm thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và từng người dân trên địa bàn Thủ đô, các cấp, ngành, cơ quan trên địa bàn Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền, PBGDPL nói chung và về Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật.

Cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử trong các cơ quan của thành phố. 

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới các hình thức PBGDPL cho phù hợp với đối tượng và địa bàn; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào; xác định công tác PBGDPL là việc làm thường xuyên, liên tục, kết hợp tuyên truyền pháp luật với xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang: Động lực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách 

Trong những năm qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã thiết thực triển khai nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Năm nay với chủ đề hưởng ứng Ngày Pháp luật 2018 là “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh coi đây là động lực, là công cụ mạnh mẽ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đảm bảo mục tiêu kiến tạo phát triển, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm trọng tâm trong công tác phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ cương, chấp hành pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Để phát huy thực chất chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam 2018, tôi mong muốn mỗi người có những hành động thiết thực, chung tay đưa Hiến pháp, luật pháp đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với ý thức, trách nhiệm đó, tôi tin tưởng rằng không chỉ ngày 9/11 là Ngày Pháp luật mà các ngày trong năm đều là ngày pháp luật được tôn trọng.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An): Cách làm mới, tích cực

Ngày 9/11/1946, Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, ngày 09/11- Ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là Ngày Pháp luật Việt Nam - đã được chính thức luật hóa trong Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.

Việt Nam chúng ta đã có khẩu hiệu: "Sống, làm việc theo Hiếp pháp và pháp luật” ra đời từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều thể chế đã được ban hành, nhiều giải pháp về công tác PBGDPL đã được triển khai thực hiện và mô hình Ngày Pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có.  

 Theo tôi, Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11) có nhiều ý nghĩa: tăng cường tinh thần Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với qui định của Hiến pháp và pháp luật; Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước; Nâng cao hiệu quả xây dựng, PBGDPL và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Cần tiếp tục đổi mới việc tuyên truyền

Tôi cho rằng việc tuyên truyền pháp luật cho người dân rất quan trọng, để người dân thông hiểu pháp luật từ đó ngăn ngừa sai phạm, vi phạm cho bản thân, gia đình, xã hội. Tuy nhiên trong thời gian qua công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân vẫn còn có những hạn chế đặc biệt là những bộ luật mới có hiệu lực hay nghị định, thông tư chưa đến được với người dân.

Nhiều nội dung luật, nghị định thông tư rất dài mà báo cáo viên triển khai tuyên truyền không trích ra những nội dung cơ bản, cốt lõi để người dân hiểu. Các tuyên truyền viên thường đọc nguyên một tập tài liệu, hoặc trích dẫn nhiều điều luật chỉ trong một buổi tuyên truyền.

Trong khi đó, nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương không quan tâm nhiều đến việc học tập pháp luật và tuyên truyền pháp luật cho người dân. Họ không nghĩ rằng, mình phải tìm hiểu, phải biết để tuyên truyền cho gia đình, người thân, xã hội – đó là trách nhiệm của cán bộ Đảng viên.

Trước thực trạng trên, tôi cho rằng, trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đặc biệt nhân Ngày Pháp luật Việt Nam cần có cách thức vận động mới mẻ từ cán bộ tới người dân để người dân dễ tiếp thu.

Tôi nghĩ rằng, Bộ Tư pháp sau đó là Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện thị cần tiếp tục đổi mới việc tuyên truyền. Cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các hệ thống chính trị đặc biệt qua Mặt trận Tổ quốc để tuyên truyền vận động cho người dân rất tốt để những bộ luật, luật có hiệu lực, những nghị định, thông tư đến tận tai, tận tay người dân để họ áp dụng tốt từ đó không vi phạm pháp luật.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị Hoàng Kỳ: Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho bà con vùng sâu, biên giới, hải đảo

Để thực hiện Ngày Pháp luật năm 2018 có chất lượng, thiết thực, hiệu quả và góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2018 và tổng kết 5 năm thực hiện Ngày Pháp luật.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh phối hợp thực hiện thông tin truyền thông, hưởng ứng Ngày Pháp luật. 

Theo đó, tập trung tổ chức các hội nghị, phổ biến các Luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp và được UBND tỉnh giao; Tổ chức 3 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy, tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình về tận cơ sở, đặc biệt là tại các xã miền núi của huyện Đakrông.

Trước tình trạng tội phạm về ma túy có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp xảy ra trên địa bàn tỉnh trong suốt thời gian gần đây nên phía Sở hiện đang lên kế hoạch phối hợp với Hội Phụ nữ cùng Đoàn Thanh niên triển khai phổ biến về Luật phòng, chống ma túy cho đối tượng là các học sinh THCS và THPT tại một số trường học trong tỉnh.

Sở cũng phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản, các nội dung liên quan đến biển đảo, đánh bắt xa bờ cho bà con ngư dân. 

Sở Tư pháp phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng hình thức tuyên truyền, PBGDPL về hộ tịch, kết hôn có yếu tố nước ngoài… cho bà con ở các vùng sâu, biên giới, hải đảo và tăng cường thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý, tư vấn ngoài trụ sở cho người dân.

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính: Triển khai Ngày Pháp luật góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn

Kết quả triển khai trong các năm qua đã cho thấy Ngày Pháp luật có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Tài chính. Trong thời gian triển khai Ngày Pháp luật, Bộ, ngành đã tuyên truyền PBGDPL rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tài chính đến hàng nghìn đơn vị, tổ chức kinh tế, hàng triệu đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tài chính.

Ngày Pháp luật không chỉ dừng lại ở hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật mà còn thúc đẩy, lan tỏa tinh thần phấn đấu, hoàn thành tốt các mặt nhiệm vụ công tác của ngành tài chính từ xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đến tổ chức, thi hành pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Qua đó, Ngày Pháp luật có ý nghĩa tích cực, trực tiếp đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong ngành tài chính, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật tài chính.

Thời gian tới, ngành Tài chính xác định cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, nghiên cứu để đa dạng các nội dung tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng; nhân rộng các hình thức hiệu quả, kết nối được người dân, doanh nghiệp với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước và xây dựng chính sách.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm cho người dân tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chính sách pháp luật và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An Hoàng Quốc Hào: Người dân đã ý thức hơn về Ngày Pháp luật là để tôn vinh pháp luật Việt Nam

Những năm trước đây, việc triển khai Ngày Pháp luật do Sở Tư pháp chủ trì, triển khai thì nay các sở ban ngành, các huyện, xã và từng người dân ý thức được hơn Ngày Pháp luật là ngày lễ để tôn vinh pháp luật Việt Nam. Ngành Công an phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu luật an toàn giao thông; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua mạng Internet thu hút rất đông người dân tham gia; Tỉnh đoàn lập Fanpage về tìm hiểu pháp luật qua mạng xã hội (Facebook) thu hút rất đông người là đoàn viên thanh niên tham gia cuộc thi…. 

Một điểm mới trong việc tổ chức Ngày Pháp luật năm nay ở Nghệ An là được tổ chức cùng kết hợp với tổng kết cuộc thi “Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dân thi hành” và “Cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về các quyền dân sự và chính trị năm 2018”.

Chỉ sau gần 2 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 223 tác phẩm dự thi, mỗi tác phẩm mang một màu sắc ý nghĩa riêng và đều có ý tưởng tốt cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả. Ban tổ chức đã chọn trao thưởng cho 16 tác phẩm có chất lượng tốt nhất. Thông qua cuộc thi cho thấy được người dân rất tích cực trong việc tìm hiểu pháp luật.

Ngoài ra, Ngày Pháp luật còn được Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức hàng tháng. Theo đó, lựa chọn những chủ đề đang được xã hội quan tâm, những luật mới ra, những nghị định, thông tư mới để cán bộ nắm bắt được, góp phần vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao, Phú Thọ Ngô Sỹ Quý: Mỗi phiên tòa là một cơ hội phổ biến pháp luật

Tòa án nhân dân huyện Lâm Thao luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong mỗi phiên tòa xét xử. Vào Ngày Pháp luật (9/11) năm nay, Tòa án nhân nhân huyện Lâm Thao không tổ chức Hội thảo, Hội nghị để hưởng ứng Ngày Pháp luật song trong mỗi phiên tòa, khi xét xử, các thẩm phán của Tòa đều lồng ghép, coi đây là cơ hội tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Với những vụ án hình sự như trộm cắp, mua bán ma túy, tàng trữ ma túy… ngoài xét xử ra, chúng tôi còn tuyên truyền tới toàn thể người dân tham dự phiên tòa về các quy định của pháp luật, hình phạt cho mỗi hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ như khi xét xử vụ án liên quan tới ma túy, ngoài việc thẩm vấn, xét xử, chúng tôi còn tuyên truyền cho bà con về tác hại của ma túy tới từng người, từng gia đình, để từ đó người dân có thể hiểu, tránh xa ma túy. Với các tội khác, chúng tôi giúp người dân nhận thức rõ được nguyên nhân, hậu quả của hành vi với hi vọng sau mỗi phiên tòa, ai cũng có thể rút ra được những bài học sâu sắc để từ đó sống và làm việc theo pháp luật.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.