Đến nay, Hội đồng phối hợp (HĐPH) công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã “hiện diện” từ Trung ương đến địa phương. Cùng với HĐPH của Chính phủ thì 23 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 98% đơn vị hành chính cấp huyện, 87,92% đơn vị hành chính cấp xã cũng đã thành lập Hội đồng.
Một buổi trợ giúp pháp lý |
Không chỉ như vậy, HĐPH các cấp đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện công tác PBGDPL. Quan trọng hơn cả là tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành, các cấp phối hợp thực hiện, góp phần đưa công tác PBGDPL vào nề nếp, hiệu quả và ngày càng phát triển.
Mặt khác, thẳng thắn nhìn nhận thì hoạt động của HĐPH các cấp không chỉ có những kết quả góp phần trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mà vì nhiều nguyên nhân, hoạt động của HĐPH vẫn chưa thoát khỏi tính hình thức, chưa sâu sát, chặt chẽ khi một số hình thức PBGDPL mới, hấp dẫn chưa được đánh giá, nhân rộng, công tác khen thưởng chưa được chú trọng thường xuyên nên chưa kịp thời động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích trong PBGDPL…
Chính vì thế, đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động của HĐPH các cấp trở thành một vấn đề cần được quan tâm, nhất là khi Luật PBGDPL với quy định về HĐPH PBGDPL sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2013.
Trong đó, vấn đề đầu tiên để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp của HĐPH là các chủ thể làm công tác PBGDPL phải thấy sự phối hợp là thực sự cần thiết, việc phối hợp vừa mang lại lợi ích chung, vừa mang lại lợi ích cho từng chủ thể. Nếu muốn việc phối hợp không là hình thức, chỉ mang tính “mặt trận”, động viên chung chung mà không mang lại hiệu quả thiết thực thì là phải tìm ra chất “kết dính” cho sự phối hợp.
Theo đại diện Vụ Pháp chế các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam…, đó chính là quy định cụ thể về cơ chế phối hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể và có sự thưởng – phạt kịp thời. Bên cạnh đó, nhận thức rõ chất lượng nhân lực là nền tảng tạo nên mọi hiệu quả cho hoạt động, kể cả PBGDPL, để xác định cán bộ làm công tác PBGDPL phải là chuyên trách, có chuyên môn về pháp luật.
Như Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng Lê Quang Bích nhận định, “Khi cán bộ chỉ có trình độ “chắp vá” và PBGDPL, tư vấn pháp luật bằng cách đọc tài liệu và bằng kinh nghiệm cá nhân thì rất dễ sai, dễ dẫn đến khiếu kiện”.
Vì thế, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho cả cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và báo cáo viên pháp luật là việc cần làm ngay mới đảm bảo chất lượng PBGDPL, cũng như để HĐPH không phải chỉ là “Hội đồng... tổng cốc”.
Đây cũng là nguyện vọng chung của những người mong muốn đưa hoạt động của HĐPH PBGDPL các cấp vào thực chất.
Song Anh