Cho học sinh nghỉ học
Cơ quan khí tượng nhận định, bão số 16 (tên quốc tế là Tembin) đang tiến vào các tỉnh Nam Bộ là cơn bão rất phức tạp, cơn bão muộn mạnh nhất từ trước tới nay đổ bộ khu vực này.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá, bão số 16 đổ bộ với hình thái và điều kiện rất nguy hiểm. Trên biển, bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông, đồng thời có rất nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai. Đây cũng là vùng biển nhiều đảo, nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra; là khu vực có nhiều hoạt động trên biển nhất là các giàn khoan, nhà giàn.
Còn trên đất liền, nơi bão đổ bộ có địa hình bằng phẳng, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông nhiều điểm bị sạt lở nguy hiểm, nhiều công trình đang thi công. Khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và kinh nghiệm ứng phó của người dân còn hạn chế, người dân một số nơi có tư tưởng chủ quan; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, hoạt động kinh tế lớn, dễ bị tổn thương.
Trước tình hình đó, các địa phương tại Nam Bộ đã và đang tổ chức di dời, sơ tán người dân đi tránh bão. Tính đến sáng 25/12, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang lên phương án di dời, sơ tán hơn 1 triệu người dân đến nơi an toàn. Các địa phương cũng ra thông báo khẩn, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện với 339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Ghi nhận tại ĐBSCL, do ảnh hưởng bởi bão Tembin nhiều địa phương đã bắt đầu mưa và gió mạnh.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ được huy động để giúp dân di dời tài sản, sơ tán đến nơi toàn tại Sóc Trăng. |
Tại tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt di dân, nếu cần sẽ cưỡng chế di dời. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…di dời vào nơi an toàn trước và sẽ hoàn thành trước 12 giờ trưa 25/12. Thực hiện rà soát phương án ứng phó thiên tai của địa phương, triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học... Chỉ đạo các trường từ mầm non đến cao đẳng cho học sinh, sinh viên được nghỉ học trong hai ngày (25-26/12). Đồng thời, tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão Tembin.
Đối với các huyện, cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân; nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12h ngày 25/12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.
TP Cần Thơ đề ra các phương án ứng phó với bão, trong đó, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 137 nghìn người đến địa điểm an toàn trú bão. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dừng các hội họp tập trung triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất, nhân dân biết và chủ động cùng ứng phó với các cấp chính quyền.
Công tác chuẩn bị kịch bản ứng phó phải thật chu đáo: nước, thuốc, thức ăn, xe, đặc biệt là ngành điện phải có phương án dự phòng đảm bảo không gián đoạn… Việc di dân phải thật đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó đến trưa ngày 25/12 nếu tình hình bão diễn biến theo chiều hướng phức tạp UBND TP Cần Thơ sẽ có quyết định cho khối trường học các cấp từ mầm non đến các trường đại học, dạy nghề nghỉ học đến hết ngày 27/12 để đảm bảo an toàn.
Tại Cần Thơ, các bến tàu khách đã tạm ngưng, tiến hành đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Tại Bến Ninh Kiều, các du thuyền cũng được thông báo cho tạm ngưng hoạt động đưa khách tham quan, ăn uống trên sông.
Những chiếc ghe cuối cùng nhanh chóng vào bờ ở Cà Mau. |
Khẩn trương di dời dân
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT – TKCN) tỉnh Cà Mau đã cho dừng các cuộc họp để tập trung chỉ đạo, đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 16, không loại trừ bão tăng tốc đến đất liền sớm hơn và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện túc trực 24/24, tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn điện, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt... đặc biệt là phải có phương án chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, kịp thời phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả bão Tembin.
Để chủ động ứng phó với cơn bão Tembin, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố nhà cửa, bờ bao, bảo vệ sản xuất để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. UBND các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng các phương án ứng phó theo tình huống bão ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cơ quan chức năng kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, bố trí nơi neo đậu tránh, trú bão an toàn.
Đặc biệt đối với các cửa biển lớn, có nhiều phương tiện tránh trú bão như: Khánh Hội (huyện U Minh), Sông Đốc ( huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương ven biển hướng dẫn tàu cá neo đậu an toàn, tuyệt đối không cho phương tiện đậu ngoài cửa biển.
Tỉnh Cà Mau đã thông báo cấm tàu cá ra biển kể từ 16h ngày 23/12/2017.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã rà soát đội tàu cứu hộ; phối hợp Hải quân Vùng 5, Vùng 4, Cảnh sát Biển để chủ động bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão; có kế hoạch bảo vệ hạ tầng ven biển, gia cố các tuyến đê xung yếu...
Đến sáng 24/12, Cà Mau đã liên hệ được 862 tàu cá, 7.183 thuyền viên đang hoạt động trên biển; trong đó có 372 tàu, 4.193 thuyền viên hoạt động đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến bãi cạn Cà Mau và khu vực đảo Thổ Chu thuộc tỉnh Kiên Giang. Hiện, có 734 tàu cá của tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận đã vào khu neo đậu tránh, trú bão an toàn.
Toàn tỉnh có 8.114/17.401 căn nhà dân được gia cố an toàn; 87.964 dân ven biển sẽ được sơ tán, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã dự kiến trước khi bão Tembin đổ bộ vào tỉnh Cà Mau. Trường hợp cần thiết sẽ cưỡng chế di dời người dân đến nơi an toàn.
Tàu các của ngư dân Cà Mau được neo đậu an toàn. |
Trước diễn biến khó lường của bão số 16, các địa phương ven biển, ven sông lớn của TP Sóc Trăng đã khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó. Tại thị xã Vĩnh Châu, các lực lượng chức năng tiến hành gia cố một số tuyến đê biển xung yếu và địa phương này cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ gia cố lại một số tuyến đê khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã vùng ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng, phải khẩn trương di dời toàn bộ người dân đến nơi trú bão an toàn, hoàn tất trước 11h hôm nay 25/12.
Từ sáng sớm đã huy động hơn 100 dân quân tự vệ, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an, quân sự, bộ đội biên phòng, hơn chục phương tiện xe buýt, ô tô… đến các khu vực nguy hiểm có đông dân cư sinh sống ven biển huyện Trần Đề để giúp dân di dời đến nơi trú ẩn. Ghi nhận tại khu vực bến cá Mỏ Ó, huyện Trần Đề có 477 trẻ em, 185 người già và 816 phụ nữ phải di dời.
Các lực lượng đã giúp đỡ, bế các cụ già, em nhỏ ra xe hết sức khẩn trương. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã chủ động tự di dời bằng xe máy, phương tiện cá nhân. Mặc dù trời mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng mọi người vẫn dầm mưa để di chuyển, chỉ có một số người đàn ông ở lại công coi nhà cửa và tiếp tục chằng néo lại mái tôn để chống bão.
Ông Võ Thanh Quang - Bí thư huyện ủy Cù Lao Dung cho biết, các lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ cũng khẩn trương di dời 2.000 người dân tại năm xã tiếp giáp các cửa sông lớn về ba điểm trường học trên địa bàn để tránh trú bão. Các lực lượng y tế cũng sẵn sàng trực ứng cứu khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, từ sáng sớm đã có mưa, mỗi lúc một lớn hơn và nặng hạt. Đến 9 giờ cùng ngày đã có một vài nơi mưa lớn kèm theo gió giật khá mạnh.
Tỉnh Bạc Liêu họp khẩn, bàn giải pháp, nhiệm vụ phòng tránh, ứng phó bão số 16. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung chỉ đạo cơ quan chức năng di dời dân ở những nơi nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn từ ngày 24/12.
Ông Dương Thành Trung chỉ đạo các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12 nhưng tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Các lực lượng chức năng cần vận động, khuyến khích người dân sơ tán nhất là người già, trẻ em và lực lượng trong độ tuổi lao động, thanh niên sơ tán sau cùng khi thật sự cần thiết...Chủ tịch UBND các địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chú ý công tác vệ sinh môi trường, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự khi di dời dân.
Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán là trụ sở cơ quan, trường học, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và nhà người dân xây dựng kiên cố. Tỉnh Bạc Liêu huy động 12.000 người, 24.000 phương tiện… tham gia bảo vệ tài sản, di dời dân và ứng phó với tình huống bão 16 đổ bộ vào đất liền.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu- ông Nguyễn Quang Dương chỉ đạo: “Để giảm bớt thiệt hại về người, tài sản nếu bão đổ bộ, các địa phương phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão. Các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phương án di dời, sơ tán dân, chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch bệnh…
Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Bạc Liêu có 1.232 tàu đánh bắt trên biển với 10.298 thuyền viên. Tính đến 6 giờ sáng 24/12, địa phương còn 177 tàu với 1.189 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Tất cả phương tiện trên đều giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn; vẫn còn một số chủ tàu chưa chấp hành nghiêm, chưa vào đất liền trú bão.