Thực hiện các chủ trương của Đảng về chính sách nhà ở xã hội, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương ban hành. Đến nay, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội về cơ bản đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhiều sự đổi mới có tính đột phá để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội, bao gồm đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Tuy nhiên, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội, các chính sách nhà ở xã hội đã được ban hành tại Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số bất cập, vướng mắc ngay trong quy định và trong triển khai thực hiện.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở; đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại phiên họp. |
Nội dung Nghị quyết tập trung giải quyết 06 nhóm chính sách lớn, gồm: Chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; Chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị rà soát sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết, nhất là trong bối cảnh dự thảo Luật Nhà ở đã được Chính phủ xem xét, thông qua trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Qua đó, Thứ trưởng yêu cầu bổ sung nội dung tờ trình, đánh giá chi tiết cụ thể nguồn lực trong điều kiện thi hành luật, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, bổ sung nội dung vào báo cáo đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kết luận buổi làm việc. |
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc, cơ cấu lại 06 nhóm chính sách đã nêu trong dự thảo đồng thời nêu rõ ưu, nhược điểm, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp hơn cho từng chính sách; tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cơ quan chịu tác động trực tiếp của dự thảo Nghị quyết này.