Làm “sạch” hệ thống văn bản QPPL của Trung ương
Theo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012, Bộ pháp điển được cấu trúc gồm 45 chủ đề. Trong đó, mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Trong mỗi đề mục có thể có các phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm và nội dung các QPPL được đưa vào bởi các văn bản sử dụng để pháp điển. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao nhất thuộc đề mục.
Triển khai thực hiện Pháp lệnh năm 2012, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng thành công Bộ pháp điển. Trong đó có Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. Theo Quyết định 1267, Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023), chia thành 3 giai đoạn gồm giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục.
Công tác pháp điển hệ thống QPPL đã được các bộ, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhất là đã bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp để triển khai thực hiện tại cơ quan mình bảo đảm phù hợp. 100% các bộ, ngành đã bố trí nhân sự tại Vụ Pháp chế và một số đơn vị chuyên môn trực thuộc (chủ yếu là biên chế làm kiêm nhiệm). Việc bố trí kinh phí thực hiện pháp điển bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 192/2013/TTLT-BTP-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL.
Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 67/243 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua 36 đề mục (Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017); Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ xem xét, thông qua thêm 31 đề mục. Theo Kế hoạch công tác, các bộ, ngành đang thực hiện pháp điển và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 thêm khoảng 50 đề mục. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” so với lộ trình đề ra (phấn đấu hoàn thành vào năm 2021).
Về phía Bộ Tư pháp, sau thời điểm Pháp lệnh Pháp điển có hiệu lực, Bộ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cũng như hội thảo, tọa đàm nhằm trang bị kiến thức pháp điển cho các công chức làm công tác pháp điển của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng chủ động tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển tại các đơn vị chuyên môn trực thuộc.
Ngay khi Chính phủ thông qua Kết quả pháp điển đối với 36 đề mục, Bộ Tư pháp đã kịp thời cập nhật vào Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2015) để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện pháp điển các đề mục, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào sử dụng Phần mềm pháp điển dùng chung cho các bộ, ngành từ năm 2016.
Đồng thời, Bộ cũng thực hiện một số hoạt động nhằm sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống như tổ chức Hội nghị tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển; tổ chức hội nghị, tọa đàm về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển trong các lĩnh vực Đầu tư, Đất đai, Doanh nghiệp; có văn bản gửi tổ các bộ, ngành, địa phương nhằm giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Qua theo dõi của Bộ Tư pháp, Bộ pháp điển bước đầu đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc. Điều đó có thể được chứng minh qua việc đến nay đã có hơn 1 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình có khoảng gần 3 nghìn lượt truy cập mỗi ngày).
Có thể thấy rằng, thông qua việc pháp điển 67/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 2 nghìn văn bản trong tổng số gần 10 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Đáng chú ý, đã phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp và thậm chí là trái pháp luật để xử lý và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển. Bộ pháp điển là văn bản duy nhất chứa đựng đầy đủ các QPPL ở Trung ương đang còn hiệu lực. Bộ pháp điển là công cụ quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức trong xã hội tìm kiếm, khai thác, sử dụng, tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, cũng như giúp các cơ quan nhà nước quản lý hệ thống các QPPL đang còn hiệu lực.
Tăng cường giới thiệu đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống
Tuy nhiên, sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển, công tác pháp điển hệ thống QPPL còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc thu thập văn bản QPPL đang còn hiệu lực để pháp điển gặp nhiều khó khăn do nguồn văn bản còn tản mát. Việc pháp điển được thực hiện toàn bộ trên Phần mềm pháp điển, văn bản được thu thập để pháp điển là các văn bản QPPL phải được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Có điều, hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều văn bản đang còn hiệu lực chưa được cập nhật đầy đủ, chất lượng văn bản chưa được kiểm duyệt chặt chẽ để bảo đảm tính chính xác của văn bản nên gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để pháp điển. Không những thế, việc quản lý công báo đang được giao cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ thuộc Văn phòng Chính phủ thực hiện trong khi hoạt động này có liên quan mật thiết đối với công tác xây dựng Bộ pháp điển và công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Việc thực hiện pháp điển một số đề mục chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng so với yêu cầu. Quy trình, trình tự thực hiện pháp điển vẫn còn phức tạp, rườm rà, tốn nhiều thời gian, công sức, nhất là việc thẩm định và ký xác thực. Việc phân tán thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng như các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trong việc xây dựng từng đề mục của Bộ pháp điển (có 27 bộ, ngành với gần 100 đơn vị trực thuộc được giao thực hiện pháp điển) đã tạo ra sự thiếu thống nhất, không ổn định về nhân sự trong quá trình thực hiện, trong khi đó việc thực hiện pháp điển đòi hỏi kỹ năng, thời gian, công sức của người làm công tác này. Bộ pháp điển chỉ được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin của các cá nhân, tổ chức về giá trị pháp lý trong quá trình khai thác, sử dụng.
Vì vậy, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm hiệu quả, chất lượng và sớm đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành tập trung thực hiện pháp điển theo quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; nghiên cứu giao một cơ quan thống nhất làm đầu mối quản lý và triển khai thực hiện đồng bộ đối với Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và pháp điển để bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đỡ tốn kém.
Đối với các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục quan tâm bố trí nhân sự, kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thực hiện pháp điển các đề mục, trong đó thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản tương đối ổn định, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2 (2014 - 2018) bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện pháp điển các đề mục.
Các bộ, ngành cũng cần thường xuyên rà soát các văn bản QPPL theo quy định để kịp thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trước khi sử dụng để pháp điển; cập nhật đầy đủ, chính xác các văn bản QPPL lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để bảo đảm nguồn văn bản sử dụng để pháp điển. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu kết quả pháp điển đối với các đề mục thuộc phạm vi lĩnh vực mình phụ trách đến các đối tượng chịu sự tác động; sử dụng kết quả pháp điển các đề mục đã hoàn thành trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật; tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan mình.
Tương tự, với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ đạo thực hiện giới thiệu kết quả pháp điển và Bộ pháp điển thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn; chỉ đạo triển khai hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển đối với các cán bộ, công chức, viên chức và tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.