Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tăng cao
6 tháng đầu năm 2021, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã xây dựng, góp ý, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo về số lượng, nội dung, thời gian thực hiện, chất lượng soạn thảo, góp ý, thẩm định. Sở cũng đã đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đề nghị đơn vị liên quan phối hợp, báo cáo sự việc để có căn cứ trả lời theo quy định.
Đồng thời, Sở đã tham mưu xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC kịp thời; liên thông tin học với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để phối hợp xác minh hồ sơ; rà soát, tích hợp, gắn kết đồng bộ Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia với cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tin học hóa quy trình, cơ chế phối hợp giải quyết công việc… Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác CCHC, Sở đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ đó đã mang lại chuyển biến tích cực là tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến và trả kết quả qua bưu chính công ích tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong 6 tháng, Sở đã tiếp nhận, giải quyết 2.497 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm 54% tổng số hồ sơ phát sinh, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ trả kết quả qua bưu chính trên tổng số hồ sơ phát sinh tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Còn nét nổi bật trong công tác CCHC của Sở Tư pháp Nam Định là đã tập trung thông tin, tuyên truyền về các nội dung chính của CCHC gồm: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật ứng dụng các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, xử lý nghiệp vụ của ngành như: Phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC; quản lý lý lịch tư pháp…
Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, phục vụ tốt nhất các nhu cầu của tổ chức, công dân, Sở Tư pháp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; chỉ đạo công chức thực hiện công tác tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm có thể xảy ra. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác CCHC đã góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Chú trọng đổi mới phong cách làm việc
Còn Sở Tư pháp Lai Châu hàng năm đều ban hành kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể, trong đó tập trung trọng tâm vào cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện các giải pháp, sáng kiến mới về CCHC… Cụ thể, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố mới, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp; công bố danh mục TTHC được chuẩn hóa, TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp, đấu giá tài sản, quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản… Qua đó đã cắt giảm thời gian giải quyết của nhiều thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp. Với những nỗ lực đó, Sở Tư pháp 3 năm liên tục đều đứng trong top 3 CCHC của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những tỉnh phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng Sở Tư pháp Bình Dương đã có nhiều mô hình, giải pháp nhằm đơn giản hoá các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Như phiên dịch mẫu Tờ khai yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp song ngữ Việt-Anh và Việt-Trung quốc, xây dựng các clip hướng dẫn đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến; gửi mail hướng dẫn đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với việc xây dựng, duy trì, khai thác, sử dụng, quản lý 21 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp; ứng dụng chữ ký số cá nhân; thực hiện trao đổi 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật), đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc thanh toán trực tiếp tại quầy một cửa và thanh toán qua Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Để phát huy các kết quả đạt được trong công tác CCHC, thời gian tới, các Sở Tư pháp địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, xử lý nghiệp vụ của ngành; đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 100%... để giảm giấy tờ hành chính và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu.
Cùng với đó, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công; rà soát các TTHC và xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng công tác chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc đối với công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tổ chức và công dân để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và đảm bảo đúng pháp luật.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tư pháp các địa phương đã chủ động, sáng tạo vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, vừa đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trao đổi về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Thị Việt Hà chia sẻ, có thời gian Bắc Giang là tâm điểm dịch của cả nước, Sở đã có nhiều chỉ đạo quan trọng để đảm bảo hiệu quả công tác tư pháp, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Sở thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4, Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác tư pháp.
Theo bà Hà, Sở đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như tổ chức tất cả các hoạt động chuyên môn đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện các công việc đều trên môi trường mạng, qua các phần mềm quản lý, các tài khoản ứng dụng Zalo, Facebook… Các hội nghị, buổi làm việc đều cơ bản được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Cùng với đó, Sở đang thực hiện việc số hoá sổ hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh và xây dựng, vận hành, ứng dụng Phần mềm quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tại nơi tận cùng phía Nam của Tổ quốc, trước tình hình số ca nhiễm tại các tỉnh thành phía Nam có dấu hiệu tăng, Sở Tư pháp Cà Mau cho biết, Sở đã đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện triệt để nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”. Các đơn vị có trụ sở riêng vận dụng Phương án phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Tư pháp hoặc có phương án riêng sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống khi có dịch, có biện pháp phù hợp bảo đảm phòng chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Ngọc cũng chia sẻ, bên cạnh tình hình phòng, chống dịch bệnh, vừa qua Sở đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về pháp luật về phòng, chống tham nhũng” để khơi gợi, khuyến khích tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của người dân và thu hút hơn 57.000 lượt thí sinh tham gia dự thi. Bà Ngọc cũng cho biết, từ giờ đến cuối năm, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức thêm 03 Cuộc thi nữa theo hình thức trực tuyến.
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra nhanh và nguy hiểm, nhưng cho đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn là địa bàn an toàn, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân với các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Cùng các cấp, các ngành, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Như: tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử, triển khai xây dựng phương án phòng, chống dịch; quét mã QR Code; tổ chức cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tiêm vaccine phòng Covid-19…
Theo chia sẻ của ông Lê Thành Cung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, để đảm bảo hiệu quả cho công tác tư pháp, Sở đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc thông qua zalo, email, hội nghị trực tuyến… Tham mưu tổ chức Cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng tỉnh Quảng Ninh năm 2021” thông qua hình thức xây dựng đề cương thuyết trình và video clip; chỉ đạo tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…