Dấu mốc mới của Việt Nam tại Army Games 2021

Các trưởng đoàn Việt Nam tham dự Army Games 2021.
Các trưởng đoàn Việt Nam tham dự Army Games 2021.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) lần thứ VII năm 2021 sẽ được tổ chức đồng thời với Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế (ARMY-2021) từ ngày 22/8 đến ngày 4/9 tại khu vực Alabino và công viên Patriot ngoại ô Matxcơva (Liên bang Nga). Army Games 2021 ghi dấu mốc mới khi Quân đội Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức hai cuộc thi “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn”. Đây cũng là lần đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam cử biên đội tàu mạnh nhất tham gia hội thao.

Cuộc tranh tài tại hội thao hai trong một

Army Games 2021, do Bộ Quốc phòng Liên bang (LB) Nga chủ trì tổ chức, sẽ khai mạc ngày 22/8 với 36 môn thi đấu diễn ra ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là lần thứ 4 Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia Army Games và tranh tài ở nhiều môn thi nhất, gồm: Xe tăng hành tiến, Lộ trình an toàn, Kinh tuyến (địa hình quân sự), Đội quân văn hóa, Bắn súng chiến thuật, CUP biển, Người bạn trung thành, Ranh giới xạ thủ, Kỹ năng thành thục, Thợ quân khí giỏi, Pháo thủ giỏi, Bầu trời quang đãng, Môi trường an toàn, Tiếp sức quân y và Bếp dã chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga Sergei Shoigu cho biết, từ ngày 22/8 đến ngày 4/9, hơn 280 đội đến từ 42 quốc gia sẽ thể hiện kỹ năng thi đấu và ý chí quyết tâm giành chiến thắng. Năm nay, cuộc thi sẽ được tổ chức tại 11 quốc gia. Hiện phạm vi địa lý của Hội thao đã mở rộng đáng kể. Lần đầu tiên, các cuộc thi sẽ được tổ chức tại Algeria, Việt Nam, Qatar và Serbia.

“Ngoài ra, nhân dịp Năm Khoa học và Công nghệ Liên bang Nga, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu cụm chuyên đề về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như công nghệ thông tin và vô tuyến điện”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Theo đơn đăng ký sơ bộ, sẽ có hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức tham gia Diễn đàn Army-2021, trong đó sẽ trình diễn trên 20.000 mẫu sản phẩm.

Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ diễn ra hơn 180 sự kiện khoa học và kinh doanh về xây dựng quân đội, phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước và hợp tác quân sự quốc tế. Trong đó, quan trọng nhất sẽ là sự kiện “Công nghệ trí tuệ nhân tạo cho quốc phòng và an ninh của quốc gia”, cũng như hoạt động dành riêng cho việc đa dạng hóa ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga.

Tại Army Games 2021, ba cuộc thi mới sẽ được tổ chức là “Bắn súng chiến thuật”, với việc sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau; “Meridian” dành cho các sĩ quan tham mưu thi tác chiến trên bản đồ địa hình quân sự và “Văn nghệ quân đội”.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức Army Games 2021 yêu cầu các đội tuyển khi đến Liên bang Nga hay các nước tổ chức cuộc thi phải có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 hoặc chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 .

Trước khi lên đường, mọi thành viên đoàn QĐND Việt Nam đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Toàn đoàn đã được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR khẳng định âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trưởng đoàn, Thiếu tướng Phạm Văn Thái, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, tham gia Army Games 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là điểm nhấn trong công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với LB Nga và các nước, tôn vinh hình ảnh, uy tín của QĐND Việt Nam anh hùng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và khẳng định sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của QĐND Việt Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung trong hội nhập quốc tế. Đây cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quý báu, vận dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhất là việc tiếp cận và sử dụng các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại.

2 chiến hạm mạnh nhất Việt Nam huấn luyện trong bão

Tại Army Games 2021, cuộc thi “CUP biển” sẽ diễn ra tại 2 địa điểm là vùng biển Caspi thuộc lãnh hải của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và vùng biển Vladivostok của Liên bang Nga. Theo đó, các đội tham gia thi ở vùng biển Caspi gồm có: Iran, Azerbaijan, Kazakhstan. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên vùng biển Vladivostok có các đội tham dự là: Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc. Đội tuyển Nga dự kiến sẽ tham gia ở cả 2 địa điểm trên.

Đây là lần đầu tiên hai chiến hạm hiện đại nhất của lực lượng Hải quân Việt Nam là tàu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung thi tài tại Hội thao. Những ngày này, tại vịnh Ussuriyskiy biên đội tàu, đặc biệt là những tuyển thủ đang “chạy đua” với thời gian, vượt điều kiện khó khăn, tích cực luyện tập, bảo dưỡng, kiểm sửa vũ khí trang bị kỹ thuật, nhằm bảo đảm tốt nhất cả về mọi mặt, sẵn sàng cho ngày tranh tài với tinh thần và ý chí quyết tâm cao nhất.

Chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung là hai tàu hộ vệ tên lửa Đề án 11661E Gepard được đưa vào biên chế Lữ đoàn 162 Quân chủng Hải quân từ tháng 2/2018. Tàu được trang bị nhiều khí tài hiện đại, do Nga sản xuất theo hợp đồng ký kết với Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhằm xây dựng lực lượng hải quân chính quy, nâng cao năng lực bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Hộ vệ hạm lớp Gepard của Việt Nam được ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình, kết hợp giữa thân vỏ góc cạnh và sơn hấp thụ sóng radar, nhằm hạn chế tối đa diện tích phản xạ radar trước các hệ thống trinh sát của đối phương. Tàu cũng được trang bị các hệ thống gây nhiễu, tác chiến điện tử hiện đại.

Hỏa lực chính của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 là 8 tên lửa chống hạm 3M24E với tầm bắn 130 km, một pháo hải quân AK-176MA cỡ nòng 76,2 mm, một tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng thủ cực gần AK-630M.

Tàu 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung cũng được lắp 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Mỗi tàu có thể mang theo một trực thăng Ka-28 để tăng khả năng phát hiện, tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo sẵn sàng thi đấu tại Vladivostok.

Chiến hạm 015 Trần Hưng Đạo sẵn sàng thi đấu tại Vladivostok.

Tại sự kiện này, tàu chiến Việt Nam sẽ thi đấu môn “CUP biển” với 4 nội dung gồm kỹ năng hàng hải (điều động và cố định tàu bằng neo, buộc lái tàu vào phao cố định), đấu tranh chống chìm tại cơ sở huấn luyện trên bờ, sử dụng phương tiện cứu hộ (thực hành trên biển) và thi bắn pháo tàu (bắn mục tiêu trên biển, trên không và mục tiêu là mìn nổi).

Do ảnh hưởng bởi hoàn lưu các cơn bão xuất hiện trước đó, hoạt động huấn luyện của biên đội rất vất vả. Sóng gió có lúc lên tới cấp 5, cấp 6, giật trên cấp 7, hay xuất hiện mưa giông, những cơn sóng lừng… đã tác động không nhỏ tới công tác huấn luyện của 2 tàu cũng như các nhiệm vụ chung của toàn đoàn.

Thượng úy Nguyễn Tiến Duy, Trưởng ngành Hàng hải tàu 016, gần như có mặt 24/24 ở buồng hàng hải để theo dõi sát sao sự thay đổi của hướng gió, vận tốc gió cũng như dòng chảy nước biển. Nhìn những con sóng bạc đầu, theo kinh nghiệm của mình, anh cho biết khả năng biển động và báo cáo chỉ huy tàu để kịp thời có các biện pháp chuẩn bị ứng phó, bảo đảm an toàn. Thời gian tiến hành đo đạc các thông số khí tượng thủy văn được tăng cường mỗi giờ một lần, nhất là khi gió giật mạnh. Mọi diễn biến bất thường của thời tiết, hướng di chuyển của những cơn bão (áp thấp)… đều không qua được mắt của đội ngũ sĩ quan hàng hải cùng những chỉ huy tàu giàu kinh nghiệm sóng gió và đã qua nhiều chuyến đi biển đường dài.

Trong điều kiện thời tiết khó lường, công tác bảo đảm, hậu cần tại biên đội tàu được kiểm tra thường xuyên nhằm chuẩn bị tốt dự trữ về lương thực, thực phẩm, nước ngọt cũng như lên kế hoạch sử dụng hợp lý.

Với kinh nghiệm của một cựu thuyền trưởng, Đại tá Trịnh Xuân Tùng, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác nghĩ ngay tới tình huống do điều kiện sóng gió to, tàu tiếp nước ngọt, tiếp phẩm và thu gom rác thải của nước bạn không ra được kịp thời, yêu cầu chỉ huy tàu báo cáo tình trạng dự trữ nước ngọt, thực phẩm trên tàu để chuẩn bị các biện pháp dự phòng.

Trong suốt hành trình trên biển và tàu neo đậu, Trưởng đoàn công tác thường có những chỉ đạo cụ thể, thiết thực, nhất là kỷ luật huấn luyện, tinh thần đoàn kết, phối hợp hiệp đồng, quy định phòng, chống dịch COVID-19, hay động viên kịp thời những khi sóng gió trên biển ảnh hưởng tới sức khoẻ bộ đội, trực tiếp hoặc thông qua chương trình phát thanh nội bộ trên tàu.

Việt Nam sẵn sàng cho hội thao

Từ ngày 22/8 đến ngày 2/9/2021, tại Hà Nội, Việt Nam sẽ tổ chức 2 nội dung thi đấu “Xạ thủ bắn tỉa” bảng 2 dành cho các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương và “Vùng tai nạn”.

Tại Army Games 2021, nội dung thi “Xạ thủ bắn tỉa” lần đầu tiên được tổ chức tại 2 quốc gia là Việt Nam và Belarus. Cụ thể, tại thao trường Brest của Belarus diễn ra phần thi dành cho đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt, sử dụng súng bắn tỉa chuyên dụng. Còn tại Việt Nam sẽ diễn ra các nội dung dành cho lực lượng quân sự chung, sử dụng súng bắn tỉa tiêu chuẩn.

Hiện tại có 20 nước tham gia đã đăng ký tham gia nội dung thi “Xạ thủ bắn tỉa”. Trong đó nhiều đội tuyển từ các quốc gia sẽ đến Việt Nam dự thi nội dung tiêu chuẩn như: Lào, Myanmar, Malaysia, Venezuela, Sri Lanka, Bangladesh.

Một số đội chỉ tham gia nội dung thi ở Belarus, như: Iran, Qatar, Serbia, Pakistan, Zimbabwe. Các nước Nga, Belarus, Trung Quốc, Uzbekistan và Ấn Độ sẽ tham gia thi cùng lúc tại 2 địa điểm.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.