Tài sản gắn liền với đất, nhất là nhà ở, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn pháp lý khi tài sản đó tham gia vào các giao dịch thế chấp là điều cần thiết.
Hiện nay, các loại tài sản hình thành trong tương lai (nhưng không phải nhà ở) vẫn đăng ký thế chấp tại các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ). Tuy nhiên, việc thực hiện đăng ký thế chấp đối với loại tài sản này đang gây nhiều khó khăn với các văn phòng vì cơ sở để đăng ký chỉ là giấy phép đầu tư nên “các Văn phòng không biết “đường nào mà lần”.
Nhưng theo Điều 2 dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là đối tượng được thế chấp tại các Văn phòng Đăng ký (ĐK) QSDĐ. Tuy nhiên, quan điểm của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TNMT) cho rằng, tài sản hình thành trong tương lai không thể được cấp giấy chứng nhận vì chưa có đủ giấy tờ hợp lệ về QSDĐ.
Do vậy, để đảm bảo minh bạch, an toàn thì Văn phòng ĐKQSDĐ chỉ nhận đăng ký đối với những tài sản hiện hữu, có giấy tờ chứng nhận. Còn việc đăng ký thế chấp đối với tài sản hình thành trong tương lai để cho hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm của Bộ Tư pháp thực hiện, dưới dạng quyền tài sản.
Vì vậy, đại diện Văn phòng ĐKQSDĐ Hà Nội và TP.HCM cho rằng, nếu không bỏ thì cần phải xem xét lại trình tự, thủ tục cho chặt chẽ, tạo điều kiện an toàn cho các văn phòng khi thực hiện đăng ký thế chấp đối với các loại tài sản hình thành trong tương lai (nhưng không phải nhà ở).
Bên cạnh đó, theo ông Trần Đông Tùng (Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp), “nếu không tiếp tục thực hiện đăng ký sẽ là một bước lùi. Thực tế, các cơ quan chức năng vẫn đang làm và hướng dẫn, chỉ trừ tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”.
Hơn nữa, về bản chất, việc đăng ký thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là đăng ký thế chấp tài sản, chứ không phải quyền tài sản, nên hai Bộ đã nhất trí theo dự thảo, qui định tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là đối tượng được thế chấp tại các Văn phòng ĐKQSDĐ.
Trong điều kiện các hoạt động thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất phổ biến hiện nay, việc hướng dẫn đăng ký và cung cấp thông tin về vấn đề này là cần thiết để chống lừa đảo, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và thực hiện việc đăng ký thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất. Với việc thống nhất về thẩm quyền thực hiện đăng ký thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) dự kiến sẽ được ban hành tới đây sẽ đáp ứng những yêu cầu trên.
Huy Anh