PV: Thưa PGS.TS. Tô Văn Hòa, với vị thế là đơn vị đào tạo, nghiên cứu luật học lớn và uy tín hàng đầu cả nước, việc tổ chức Diễn đàn Luật học và Phát triển rất được giới khoa học pháp lý quan tâm. Ông có thể cho biết thêm về sự kiện khoa học này?
PGS.TS. Tô Văn Hòa: Như chúng ta đã biết, ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam với ý nghĩa tôn vinh đối với những nhà khoa học cũng như đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ phát động chủ đề “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo – đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội” do Bộ Khoa học và Công nghệ phát động.
Năm 2017, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Tuần lễ Nghiên cứu khoa học như là một sự kiện khoa học thường niên để kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đã có những dấu ấn nhất định. Từ năm 2021, Tuần lễ Nghiên cứu khoa học được “nâng tầm” thành Diễn đàn “Luật học và Phát triển” (Legal Studies for Development Forum, viết tắt là LSDF). Diễn đàn là điểm nhấn, là trung tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hằng năm.
Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2022 có điểm nhấn là 04 hội thảo trọng điểm của Trường nhằm bàn rõ, bàn kỹ về lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các báo cáo khoa học tập trung nhận diện, minh định khái niệm nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phân tích sâu sắc các yếu tố ảnh hưởng, điều kiện bảo đảm, các đặc trưng của nhà nước pháp quyền; tìm hiểu tư tưởng, quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền trong lịch sử lập hiến Việt Nam cũng như các tư tưởng, trường phái pháp quyền trên thế giới…
Nhiều tham luận Hội thảo hướng đến làm rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đồng thời phân tích các vấn đề xung quanh mục tiêu xây dựng, đảm bảo phát triển bền vững nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ việc xử lý mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước, quản trị nhà nước, vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ… đến vấn đề bảo đảm, bảo vệ quyền con người, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Nhiều báo cáo cũng tập trung làm rõ từng khía cạnh trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể là: vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; vấn đề thi hành pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; vấn đề về tổ chức, hoạt động của Bộ máy nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Tô Văn Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. |
Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng ra mắt Chương trình “Nâng cao năng lực công bố quốc tế của giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội” và tổ chức Toạ đàm khoa học "Công bố quốc tế trong lĩnh vực luật học – Chính sách và kinh nghiệm”. Thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn đã cung cấp cho cán bộ, giảng viên nhiều kiến thức, kỹ năng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong viết bài công bố quốc tế, mở ra nhiều kỳ vọng về thành tích công bố quốc tế của cán bộ, giảng viên của Trường trong thời gian tới.
Đặc biệt, những năm gần đây, tại các Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học Eureka do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các đề tài của sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã đạt được những thành tích đáng chú ý: Giải Nhất Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học Eureka năm 2020; 6 giải Nhì tại Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Bộ các năm 2018, 2019, 2020 và nhiều giải Ba, giải Khuyến khích. Tiếp nối thành công của các năm trước, Cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022 được đánh giá là có chất lượng và hiệu quả cao với nhiều đề tài có quy mô, hàm lượng khoa học lớn.
PV: Thưa PGS.TS Tô Văn Hoà, ông có thể cho biết Trường Đại học Luật Hà Nội trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật nào?
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và lãnh đạo Nhà trường, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại, Trường Đại học Luật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học. Trong những năm gần đây, Trường đã có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, công bố các công trình, bài viết trên các tạp chí hàng đầu trong nước và nước ngoài về chuyên ngành luật.
Đến nay, Trường đã thực hiện thành công 3 đề tài, đề án khoa học cấp Nhà nước, 07 đề tài khoa học cấp Bộ và tương đương, 193 đề tài khoa học cấp cơ sở. Hiện Trường đang chủ trì nghiên cứu 06 đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh cùng hơn 40 đề tài khoa học cấp cơ sở. Ngoài ra, với uy tín khoa học và chuyên môn cao, các giảng viên của Trường cũng đã được mời tham gia thực hiện nhiều đề tài do các Bộ, Ngành, các viện hoặc cơ sở đào tạo khác chủ trì. Bên cạnh đó, Trường đã tổ chức thành công 295 hội thảo (trong đó 28 hội thảo khoa học quốc tế; 01 hội thảo cấp Bộ, 66 hội thảo cấp Trường, 200 hội thảo cấp cơ sở).
Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc nước ngoài, đặc biệt các hội thảo khoa học quốc tế thường niên trong khuôn khổ hợp tác với CHLB Đức tại Tuần lễ pháp luật Đức hoặc các trường đại học nước ngoài như Trường Đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva (Nga), Đại học tổng hợp Vân Nam (Trung Quốc), Đại học Nagoya (Nhật Bản)… Bên cạnh đó, Trường cũng nỗ lực đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức trong khuôn khổ các dự án hợp tác với các đơn vị của Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Canada, Úc, New Zealand...
Một Hội thảo khoa học cấp Bộ do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức. |
Tạp chí Luật học của trường là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật học ở Việt Nam với những xuất bản phẩm định kì, chuyên đề, đặc san với nội dung khoa học phong phú, sâu sắc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội và hoạt động của ngành Tư pháp nói chung. Tính từ số Tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc (số 1/1994) đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản 247 số định kì, 23 số đặc san với 2.731 bài báo khoa học của hơn 700 tác giả trong và ngoài Trường. Tạp chí cũng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng biên tập, tham gia phản biện bài cho Tạp chí. Trường đang nỗ lực xây dựng Tạp chí Luật học theo tiêu chuẩn ASEAN Citation Index (ACI) nhằm hướng đến mục tiêu đưa Tạp chí Luật học trở thành tạp chí uy tín trong khu vực.
PV: Trong những năm tới đây Trường Đại học Luật Hà Nội có định hướng cơ bản nào để phát triển năng lực khoa học, thưa PGS.TS Tô Văn Hòa?
Trong những năm tới, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trên các lĩnh vực nghiên cứu lớn của khoa học pháp lý, chú trọng hướng tới đề xuất các giải pháp cụ thể để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ sự phát triển của đất nước.
Về năng lực nghiên cứu, chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030 đã xác định Trường trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, trường trọng điểm quốc gia về đào tạo pháp luật có vị thế trong khu vực; trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý uy tín hàng đầu, có đội ngũ những chuyên gia đầu ngành, hình thành trường phái học thuật trong các lĩnh vực khoa học pháp lý, tham gia xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật; trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý, đóng góp tích cực trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và phục vụ cộng đồng.
Trường tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh công bố trong nước và quốc tế quốc tế. Hằng năm, mỗi giảng viên có ít nhất một công bố trên các tạp chí khoa học trong nước. Phấn đấu từ năm 2025 trở đi, Trường có ít nhất 50 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và đến năm 2030, mỗi năm công bố ít nhất 100 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Trường cũng từng bước xây dựng cơ chế tự chủ về nghiên cứu khoa học; tăng cường thực hiện các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh và tương đương; đẩy mạnh đầu tư kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tăng dần tỉ lệ thu - chi đối với hoạt động khoa học công nghệ của Trường. Trên cơ sở các nhóm nghiên cứu, từng bước xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong khoa học pháp lý, có vai trò dẫn dắt, có uy tín trong nước và quốc tế.
Với tư cách là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc tham gia tích cực và sâu hơn đối với các hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp; chú trọng vào các nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận, luận cứ pháp lý, giải pháp có tính chất chuyên sâu phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và công tác xây dựng, thực hiện pháp luật của cả nước.
PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Tô Văn Hoà! Chúc Diễn đàn “Luật học và Phát triển” năm 2022 của Trường thành công tốt đẹp!