Đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

ĐB K’Choi, Đăk Nông, cho rằng, việc tinh gọn tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL là phù hợp
ĐB K’Choi, Đăk Nông, cho rằng, việc tinh gọn tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL là phù hợp
(PLO) - Ngày 10/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Mặc dù được đưa ra thảo luận lần đầu nhưng dự thảo được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Cần xã hội hoá và phân biệt rõ bản chất hoạt động TGPL

ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đồng tình cao với Chính phủ về ý tưởng xây dựng một mô hình TGPL tinh gọn, chuyên nghiệp hóa và chất lượng cao.

Đại biểu nhấn mạnh: “Thứ nhất, về phạm vi và hình thức trợ giúp pháp lý, theo Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 thì trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có cả hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Hiện nay Quốc hội đã thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Luật hòa giải năm 2013, theo đó 2 hoạt động này được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất cụ thể trong toàn hệ thống chính trị, xã hội như các cơ quan tư pháp, chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hành nghề pháp luật, v.v... Như vậy, việc tiếp tục giao cho tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện cả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải sẽ gây chồng chéo, trùng lắp và ảnh hưởng đến tính chuyên sâu, chuyên nghiệp hóa của hoạt động trợ giúp pháp lý”.

Đại biểu phân tích rõ: “Xét về bản chất thì trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý khi người được trợ giúp pháp lý có vướng mắc về pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người này. Còn phổ biến giáo dục pháp luật là cung cấp thông tin về pháp luật. Còn hòa giải cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận giải quyết với nhau trong các mâu thuẫn tranh chấp. Thực tiễn cho thấy ba hoạt động này có sự giao thoa ảnh hưởng lẫn nhau, tác động lẫn nhau, tuy nhiên về mặt chủ thể, chủ trì thực hiện thì tôi nghĩ luật cần phải có sự phân biệt, phân công là hoàn toàn chính xác”.

Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Luật, Kiên Giang cũng tán thành tinh gọn nâng cao hiệu quả tổ chức TGPL của nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác TGPL.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật nhấn mạnh: “Trước hết, tôi cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật trợ giúp pháp lý với các lý do đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ. Tôi cũng tán thành với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo luật và nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước. Đặc biệt, tôi nhất trí cao với quan điểm của Chính phủ là cần tập trung nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đặt đúng vị trí của người được trợ giúp pháp lý là trung tâm của công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước ta.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật, Kiên Giang nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo yếu tố tài chính
Đại biểu Nguyễn Văn Luật, Kiên Giang nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo yếu tố tài chính

Trong điều kiện nguồn lực tài chính của đất nước ta còn hạn hẹp thì phải hết sức lưu ý đến tính khả thi của luật. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiệu quả hiện có. Bảo đảm các chính sách nhân văn phải thực sự đi vào cuộc sống”.

Theo phân tích của Đại biểu Nguyễn Văn Luật, về xã hội hóa các hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhìn chung dự thảo luật đã thể hiện được quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có tư cách pháp nhân được thực hiện trợ giúp pháp lý theo hai phương thức:Một, hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của Nhà nước. Hai, đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của chính tổ chức đó, khác biệt là ở điểm này.

Đại biểu nhận định Dự thảo luật đã cụ thể hóa được về người tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng và theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý. Tư vấn viên pháp luật có 5 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên, làm việc tại tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, qua đó tối đa hóa nguồn lực con người và nâng cao chất lượng hiệu quả trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật khẳng định: “Qua nghiên cứu quy định nêu trên của dự thảo luật, tôi thấy cơ bản đã làm rõ được hai vấn đề, thứ nhất sự khác biệt cơ bản giữa xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý và xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp khác như luật sư công chứng, giám định thừa phát lại. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của nhà nước, nhà nước cung cấp trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng nhưng không thu tiền và lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý…Hai, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hóa chủ thể tiến hành trợ giúp pháp lý”.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu quan tâm là vấn đề tiếp tục hoàn thiện và đổi mới tổ chức trợ giúp pháp lý. Đại biểu tán thành quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự thảo luật đó là tinh gọn nâng cao hiệu quả tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý. “Dự thảo luật không quy định chi nhánh với tư cách là một tổ chức của trung tâm trợ giúp pháp lý cũng như việc thành lập mới các chi nhánh, quy định như vậy là hợp lý”.

ĐB K’Choi, Đăk Nông, cho rằng, việc tinh gọn tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL là phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức chi nhánh của trung tâm TGPL Nhà nước đã được thành lập trước đây thì vẫn cần phải quy định trong luật làm cơ sở hợp lý cho các tổ chức này hoạt động. Ở một số tỉnh miền núi, địa bàn đi lại gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục tổ chức chi nhánh của trung tâm TGPL.

Chỉ nên quy định 3 hình thức TGPL

Tán thành với những quy định tại Dự thảo Luật, Đại biểu Trần Thị Hiền, Hà Nam bày tỏ: “Về hình thức trợ giúp pháp lý, tôi tán thành với dự thảo luật về việc chỉ nên quy định ba hình thức trợ giúp pháp lý là tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật. Đây là thời điểm cần định hình hoạt động trợ giúp pháp lý về đúng bản chất của nó là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp hướng vào trọng tâm đáp ứng nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý của những số phận, những con người cụ thể khi gặp khó khăn về pháp lý”.

Lý giải cho quan điểm này, Đại biểu cho biết: Khác với thời điểm 10 năm trước đây, lúc đó chưa có Luật phổ biến và giáo dục pháp luật, chưa có Luật hòa giải ở cơ sở nên ta đưa hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật hòa giải, hỗ trợ thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại vào nội hàm các hoạt động khác của trợ giúp pháp lý. Hệ quả là như báo cáo tổng kết thi hành pháp luật đã nêu, các địa phương tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động bề nổi có tính phong trào như trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Trong 8 năm thi hành luật có đến 443.356/856.218 vụ việc tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua trợ giúp pháp lý lưu động. Nếu tiếp tục duy trì điều này sẽ khó tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, hướng vào giải quyết các vụ việc cụ thể gắn với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không rạch ròi về tính chất cũng như kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Về chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, theo quan điểm của Đại biểu Trần Thị Hiền: Việc cân nhắc có nên tiếp tục quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý nữa hay không cần được xem xét trong mối tương quan giữa các định hướng về đổi mới hoạt động của trung tâm trợ giúp pháp lý và thực tiễn hiệu quả hoạt động theo đề án đổi mới trợ giúp pháp lý sẽ có lộ trình để chuyển dần các trung tâm trợ giúp pháp lý từ chỗ là đơn vị chủ yếu thực hiện trợ giúp pháp lý trở thành cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Việc cung ứng dịch vụ trợ giúp pháp lý sẽ chủ yếu do luật sư thực hiện, các trợ giúp viên pháp lý cũng có lộ trình chuyển thành luật sư.

“Với xu hướng đó, tôi tán thành việc không quy định về chi nhánh trợ giúp pháp lý như một cơ cấu cứng, một tầng lớp trung gian của trung tâm trợ giúp pháp lý nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, khắc phục sự cồng kềnh về tổ chức, hoạt động kém hiệu quả của các chi nhánh như từ trình đã phân tích. Tôi cũng nhất trí với giải pháp rà soát, sắp xếp lại hệ thống chi nhánh trợ giúp pháp lý được đề xuất tại khoản chuyển tiếp Điều 48 để duy trì, củng cố những chi nhánh thực sự cần thiết tại những địa bàn khó khăn, là giải pháp quá độ trong giai đoạn đội ngũ luật sư tại các địa bàn này còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý.” - Đại biểu Hiền khẳng định.

Về vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động TGPL,Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bến Tre cho rằng: “Vấn đề nâng cao chất lượng rất quan trọng và đến năm 2025 thì chúng ta sẽ chấm dứt vấn đề thực hiện trợ giúp viên pháp lý và chuyển dần cho luật sư để nâng cao tính chuyên nghiệp, vì ở đây trợ giúp pháp lý ngoài lĩnh vực tư vấn thông thường thì còn có lĩnh vực hòa giải, trọng tài, giải quyết khiếu nại, tố cáo, vấn đề tranh tụng. Đặc biệt, chúng ta áp dụng nguyên tắc bảo đảm tranh tụng theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cho nên đòi hỏi vừa phải có hiểu biết, vừa phải có kỹ năng nên đội ngũ luật sư dần dần phải thay thế vấn đề trợ giúp pháp lý để chúng ta không thể là những người yếu thế tiếp tục hưởng những dịch vụ kém cỏi, như vậy đẩy người ta tiếp tục lần thứ hai vào những thiệt thòi, những đối tượng đã thiệt thòi mà trợ giúp pháp lý kém chất lượng là không được.

Chính vì thế, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp cũng yêu cầu Đảng đoàn luật sư phải tham gia một cách tích cực ngoài lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo giờ quy định trong Luật luật sư thì phải tăng cường hơn nữa là cử những luật sư và bây giờ không lựa chọn luật sư theo đoàn mà tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước sẽ lựa chọn những luật sư đủ tiêu chuẩn để đứng ra trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, ngoài các luật sư có thể huy động những người khác ở các tổ chức khác có đủ năng lực, ví dụ như Hội luật gia có thể cung cấp các tổ chức trợ giúp khác nhưng đòi hỏi người đó phải có năng lực, không chấp nhận người không đủ năng lực để trợ giúp pháp lý cho người có công và người yếu thế. Bắt đầu từ năm 2025 trở đi theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ ký thì chúng ta cơ bản là luật sư đứng ra trợ giúp pháp lý”.

Bộ trưởng giải trình ý kiến Đại biểu Quốc hội

Giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi xây dựng Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, lúc đó do nhận thức, do điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội và cũng do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ cho nên Luật TGPL hiện hành “ôm đồm” trong phạm vi điều chỉnh. Từ đó đến nay đã có nhiều văn bản pháp luật khác ban hành như Nghị định 77/CP về tư vấn pháp luật, Luật PBGDPL năm 2012, Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013…

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, dự thảo Luật TGPL sửa đổi lần này sẽ trả TGPL về đúng nghĩa của nó
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, dự thảo Luật TGPL sửa đổi lần này sẽ trả TGPL về đúng nghĩa của nó

Hiện tại có 183 trung tâm tư vấn pháp luật trên toàn quốc và lĩnh vực tư vấn cũng là dân sự, hôn nhân, gia đình, đất đai và lao động, đối tượng cũng là người nghèo, cùng đối tượng chính sách đồng bào dân tộc, đối tượng yếu thế. Trong giai đoạn 2011-2014 thì các trung tâm này tư vấn khoảng 180 nghìn vụ, trong đó có khoảng hơn 3 nghìn vụ, coi như trợ giúp pháp lý. Đối với Luật phổ biến giáo dục pháp luật có các đề án phổ biến riêng cho từng đối tượng chính sách, cũng cho những người khuyết tật, đối tượng nông dân, phụ nữ và cùng với các hoạt động về phổ biến giáo dục pháp luật có hướng dẫn và giải thích pháp luật

Thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở hiện cả nước có khoảng 111 nghìn tổ hòa giải để giải quyết các xích mích, các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, giữa vợ chồng con cái với nhau hoặc trong cộng đồng làng xã có rất nhiều vụ việc cũng là trợ giúp pháp lý. Từ những phân tích nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, với dự án Luật TGPL lần này, Chính phủ muốn căn chỉnh để thực hiện mục đích phân sân rõ ràng, đồng thời trả lại trợ giúp pháp lý đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp. Xã hội hóa được thì tốt, nếu không đây là trách nhiệm của nhà nước.

Nói về đối tượng được trợ giúp pháp lý, Bộ trưởng cho biết “quy định của Việt Nam là rộng nhất thế giới”. Rộng so với quy định của các công ước quốc tế và rộng so với quy định của Luật trợ giúp pháp lý của các quốc gia. Chính sách của chúng ta rất nhân văn, nhiều đối tượng chính sách. Bởi vậy, Ban soạn thảo mong muốn cho quay trở lại đúng bản chất của trợ giúp pháp lý là cho những đối tượng được xác định rõ ràng; phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật các nước. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, không ai muốn hạn chế về đối tượng nhưng cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính.

 Về chất lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh “Chúng ta đang cố gắng để người nghèo, đối tượng chính sách, những người được thụ hưởng pháp lý được một dịch vụ pháp lý về cơ bản sẽ được tiến tới như một con người bình thường. Tương tự, liên quan đến chất lượng thì trình độ và yêu cầu đối với Trợ giúp viên pháp lý hiện có khoảng 600, hầu hết đã đạt tiêu chuẩn chỉ thêm quy định về tập sự”

Bộ trưởng cũng giải trình thêm các vấn đề liên quan đến xã hội hóa và khẳng định “không có bất cứ một quy định nào của dự luật mâu thuẫn với Luật luật sư”. Các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.