Đà Nẵng trải thảm đỏ mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp mới

Tại Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Đà Nẵng phấn đấu sẽ thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD.
Tại Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Đà Nẵng phấn đấu sẽ thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đà Nẵng đang kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp mới trên địa bàn. Thành phố này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng và 800 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký vào các khu công nghiệp.

Đà Nẵng hiện có 6 Khu công nghiệp, với tổng diện tích hơn 1.066 ha đang hoạt động. Cùng với việc được bổ sung 3 Khu công nghiệp mới là Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, với diện tích tăng thêm là 880 ha thì thành phố này đã có 9 Khu công nghiệp. Trong đó, có 7 Khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Việt Nam, 1 Khu công nghiệp được chuyển đổi một phần (KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) và 1 Khu công nghiệp được chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng giai đoạn tới là Khu công nghiệp Đà Nẵng.

Nhằm mở rộng hạ tầng công nghiệp để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với thành phố, UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới của thành phố, gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha, mục tiêu thu hút các dự án có quy mô vốn hàng chục triệu đô la Mỹ.

Cụ thể, đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các Khu công nghiệp mới của Đà Nẵng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các khu công nghiệp đạt khoảng 10.000 tỷ đồng từ các dự án trong nước và 800 triệu USD từ các dự án FDI. Trong đó, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 1 ha đất công nghiệp của Khu công nghiệp thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Trong đó, Khu công nghiệp Hòa Nhơn (xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có quy mô 360,1 ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp... Mục tiêu sẽ thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

Khu công nghiệp Hòa Cầm – Giai đoạn 2 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với quy mô 120,019 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng,... Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phấn đấu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu USD/ha.

Còn Khu công nghiệp Hòa Ninh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có quy mô 400,02 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Tại Khu công nghiệp này, Đà Nẵng phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Đặc biệt, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu USD/ha.

Được biết, các đối tác mà Đà Nẵng tìm kiếm, xúc tiến đầu tư là các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp có khả năng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư những dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng định hướng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính, tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.

Đồng thời, thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường; tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bảo vệ môi trường, bảo tồn đất, tài nguyên dựa trên công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hiện, UBND TP Đà Nẵng đã cho giao Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng là cơ quan đầu mối trực tiếp triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung phát triển hạ tầng công nghiệp và đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp. Đồng thời triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp mới trên địa bàn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với những mục tiêu và định hướng đã đề ra, Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31-32% trong cơ cấu GRDP của thành phố. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.