Hai nhóm luật sư của cựu chiến binh gồm: Chương trình Dịch vụ Pháp lý Cựu chiến binh Quốc gia (NVLSP) và Tổ chức Dịch vụ Pháp lý Jerome Frank tại Trường Luật Yale đã xuất bản một báo cáo chính sách hôm 8/5 khẳng định, các cựu binh Mỹ phục vụ trên đảo Guam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam (khoảng thời gian từ năm 1962 đến 1975) có khả năng bị phơi nhiễm thuốc diệt cỏ hoặc thuốc được sử dụng để kiểm soát thực vật trên hòn đảo ở Thái Bình Dương này.
Trong báo cáo do Giám đốc điều hành NVLSP Bart Stichman cùng một số sinh viên luật, luật sư viết đã khẳng định, "Bằng chứng hiện có chứng minh rằng, ít nhất, "rất có thể là" các cựu chiến binh từng phục vụ ở đảo Guam từ năm 1962 đến 1975 đã tiếp xúc với chất độc da cam và các chất diệt cỏ có chứa chất độc khác".
Hai nhóm này cho biết những thông tin của họ đáp ứng các tiêu chí pháp lý của VA để giành được các lợi ích cho những cựu binh bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Trong Chiến tranh Việt Nam, hàng chục ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã được chỉ định đến đảo Guam - nơi đồn trú của 3/4 số máy bay ném bom B-52 của Hoa Kỳ được sử dụng trong chiến dịch trên không.
Các quân nhân này đã thông báo về việc phun thuốc làm rụng lá lên thảm thực vật để giảm nguy cơ hỏa hoạn và chôn chất thải nguy hại, bao gồm cả chất độc da cam tại các bãi rác và khu vực trũng thấp gần đại dương.
Tuy nhiên, một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ năm 2018 đã kết luận rằng, không có hồ sơ (bao gồm cả những hồ sơ chưa hoàn chỉnh hoặc đã bị mất) và không có mẫu đất đáng tin cậy để chứng minh việc phơi nhiễm các chất độc hại như vậy.
Đối với các cựu binh phục vụ bên ngoài Việt Nam, để nhận bồi thường khuyết tật hoặc các dịch vụ y tế cho 14 tình trạng sức khỏe được xác định có liên quan đến phơi nhiễm thuốc diệt cỏ, họ phải chứng minh rằng họ mắc bệnh liên quan đến chất độc da cam, liên hệ với đơn vị và chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa bệnh tật với nguy cơ phơi nhiễm chất độc khi tham chiến.
Một số cựu binh từng phục vụ tại đảo Guam đã được bồi thường thương tật do các bệnh liên quan đến chất độc da cam, nhưng NVLSP và Yale tin rằng tất cả những người phục vụ trên đảo Guam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam có đủ điều kiện để tự động nhận trợ cấp thương tật từ VA.
"Các cựu binh không nên bị phạt vì hồ sơ chứng cứ không đầy đủ khi Bộ Quốc phòng không duy trì hồ sơ này, hoặc thất bại trong giải quyết và bác bỏ các khiếu nại rộng rãi về chất độc da cam và phơi nhiễm thuốc diệt cỏ độc hại khác", nhóm viết bảo cáo khẳng định.
Vào tháng 1/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã công bố danh sách các địa điểm bên ngoài Việt Nam nơi thử nghiệm hoặc lưu trữ thuốc diệt cỏ, nhưng danh sách này đã bỏ qua hơn 40 địa điểm phơi nhiễm được liệt kê trước đây. Guam không được đưa vào danh sách này.
Phát ngôn viên của DoD Chuck Prichard cho biết danh sách mới này là "kết quả của việc xem xét kỹ lưỡng các hồ sơ sử dụng, lưu trữ và thử nghiệm chất độc da cam và các chất diệt cỏ chiến thuật khác bên ngoài Việt Nam".
"Thông tin trong các hồ sơ được đánh giá theo các tiêu chí chung nghiêm ngặt của VA-Bộ Quốc phòng về những yêu tố tạo thành một địa điểm nơi thuốc diệt cỏ chiến thuật đã được thử nghiệm, sử dụng và lưu trữ," ông Prichard giải thích.
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết danh sách mới sẽ được cập nhật khi có thêm bằng chứng.
Vào năm 2017, nghị sỹ đảng Cộng hòa Dennis Ross (bang Florida), người rời Quốc hội năm ngoái, đã trình một dự luật có thể đưa ra tình trạng của các cựu binh xấu số từng phục vụ tại đảo Guam, Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana và Samoa thuộc Mỹ. Nhưng dự luật này chưa bao giờ được thảo luận.
Hàng ngàn cựu binh khác từng phục vụ tại Việt Nam hoặc trên một số tàu ngoài khơi và có một trong những căn bệnh được coi là bổ sung vào danh sách chờ bồi thường thương tật đã phải chờ tới bốn năm để được VA công nhận.
Các quan chức của VA cho biết họ đang chờ kết quả của hai nghiên cứu trước khi công bố có nên thêm ung thư bàng quang, chứng run giống như Parkinson, suy giáp, tăng huyết áp và bệnh lý đơn dòng có ý nghĩa không xác định, MGUS, vào danh sách các bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam, chất diệt cỏ trong chiến tranh.