Kho tàng giá trị để áp dụng vào thực tế
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật mới đây đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ mắt cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” (cuốn sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản và ra mắt vào thời điểm hết sức quan trọng, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn bởi đây là công trình đầu tiên mang tính hệ thống, tập hợp những phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao.
Các bài viết được tập hợp trong cuốn sách đã thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc và sinh động sự đóng góp to lớn, quan trọng của Tổng Bí thư trên nhiều cương vị khác nhau trước đây và với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng ta hiện nay trong việc xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại của Việt Nam; đồng thời khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, xuyên suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại trên cả 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, nội dung cuốn sách một mặt thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về đường lối đối ngoại, mặt khác thể hiện rõ nét sinh động và toàn diện về phong cách ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cuốn sách khắc họa góc nhìn đa dạng, nhiều chiều của những người làm công tác đối ngoại, nghiên cứu quan hệ quốc tế của các chính đảng và các nước về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng đây là cuốn sách có giá trị lý luận, thực tiễn đặc biệt quan trọng, giúp các ban, Bộ, ngành, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp triển khai thực hiện công tác đối ngoại. Cuốn sách cũng là tài liệu để mỗi người dân Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta. Đại sứ tin tưởng rằng, cuốn sách sẽ là một kho tàng giá trị để các thế hệ cán bộ làm công tác đối ngoại tham khảo và áp dụng vào thực tế, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại trong thời đại mới.
Nâng tầm lý luận và tư duy thực tiễn
Đại sứ Trần Đức Mậu. Ảnh Báo Tuổi Trẻ. |
Nhất trí với ý kiến của các chuyên gia cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư đã nâng tầm lý luận và tư duy thực tiễn về chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nêu rõ, trước đây đã có nhiều tài liệu, sách báo viết về công tác đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam nhưng đây là cuốn sách đầu tiên nói rõ về tính chất, bản chất của ngành Ngoại giao Việt Nam và nêu ra định hướng rất rõ ràng, cụ thể về công tác đối ngoại Việt Nam. Theo Đại sứ, tre là một loại cây đặc trưng của Việt Nam, rất dẻo dai nhưng cực kỳ vững chắc, gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hình ảnh cây tre Việt Nam gắn với ngành Ngoại giao đúng là biểu tượng chính xác và đẹp đẽ nhất.
Có chung quan điểm, Đại sứ Trần Đức Mậu, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) phân tích, với cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta lần đầu tiên có được sự khái quát toàn diện nhất và sâu rộng nhất về truyền thống và bản sắc của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam cũng như sự phác họa chân dung sắc nét nhất của triết lý và trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam.
Những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tập hợp trong cuốn sách, đặc biệt bài viết tổng quan ở phần đầu, đều nhấn mạnh và đề cao vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của đối ngoại, ngoại giao vào thắng lợi của công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ xa xưa tới nay. Thông qua việc nhìn lại lịch sử đối ngoại, ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, cuốn sách trình bày một cách có hệ thống về lý luận và thực tiễn hoạt động đối ngoại, ngoại giao của nước ta, về quá trình hình thành, phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại, ngoại giao.
Cuốn sách đã đúc kết những bài học thành công của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam và đưa ra những định hướng cơ bản cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới để thực hiện thành công đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách nhờ đó có được giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Nhiều vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại được soi rọi. Nhiều kiến giải và gợi mở cho đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới ở nước ta và trên thế giới đã được đưa ra.
“Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ ra rằng chúng ta cần phải gây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện và hiện đại để phục vụ đất nước phát triển hùng cường. Nền ngoại giao ấy, bên cạnh những thành tố nội hàm của “toàn diện và hiện đại”, đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí đề ra để định tính hóa và định lượng hóa tính toàn diện, hiện đại còn phải là nền ngoại giao kế thừa và tiếp nối truyền thống, phát huy bản sắc đã có và gây dựng bản sắc mới cho ngoại giao Việt Nam, đồng thời còn phải làm giàu thêm triết lý và gây dựng nên trường phái ngoại giao Việt Nam”, Đại sứ Trần Đức Mậu nhận định.
Đại sứ Trần Đức Mậu cho rằng, ngoại giao Việt Nam hiện không những phải làm thành công tất cả những công việc này mà còn có điều kiện và tiền đề thuận lợi chưa từng thấy để làm thành công những việc này.