“Thích dân vận” là tâm sự của Chi cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) quận Thanh Xuân, Hà Nội - anh Nguyễn Song Hà, người vừa được công nhận chiến sỹ thi đua ngành và bằng khen của Bộ trưởng Tư pháp. Danh hiệu này theo ông Hà “trong cái riêng có cái chung” và “đó là thành tích của cả tập thể”.
“Đánh bắt xa bờ”
Những ngày cuối năm, trong khi không khí Tết đã chộn rộn khắp các nẻo đường, con phố của Hà Nội thì tại Chi cục THADS quận Thanh Xuân cũng đang “Tết sớm” vì vừa kết thúc một vụ án khá phức tạp. 3 bản án do cùng một công ty phải thi hành trả cho 3 cơ quan nhà nước với số tiền 1,9 tỷ đồng. Công ty này không tự nguyện THA và cũng tìm mọi cách “bưng bít” tài khoản của mình.
Nhưng bằng công tác nghiệp vụ các chấp hành viên đã “phát hiện” ra mặc dù có trụ sở tại quận Thanh Xuân nhưng tài khoản của công ty này được mở tại Quảng Ninh và Thanh Hóa. Đường xá xa xôi, những ngày cuối năm công việc ngập đầu nhưng cán bộ, chấp hành viên vẫn 5 lần 7 lượt vào, ra để “tác nghiệp”. Sau nhiều nỗ lực cuối cùng số tiền 1,9 tỷ theo các bản án tuyên đã thi hành xong.
Ông Nguyễn Song Hà, người đứng thứ 3 từ trái sang |
Thở phào vì “trút” được một “gánh nặng”, Chi cục trưởng THADS Nguyễn Song Hà nói vui: mọi người phong cho Thanh Xuân danh hiệu “đánh bắt xa bờ”. Có lẽ cũng không ngoa, bởi không biết “duyên” thế nào, rất nhiều vụ Thanh Xuân phải vượt ra khỏi địa giới thủ đô, đến nhiều tỉnh xa để xác minh điều kiện THA. Và ở tầm Chi cục, điều đó cũng không phải đơn giản.
Nhưng, theo ông Hà “bản án có hiệu lực phải thi hành, dù khó khăn mấy, bởi nếu buông xuôi, luật pháp sẽ bị “nhờn”.
Đề cao vận động, thuyết phục
Xuất thân là cán bộ ngành Tòa án, khi THA “ra ở riêng” năm 1993, ông Hà được tổ chức phân công về THA quận Đống Đa. Chỉ 4 năm sau (năm 1997) , ông Hà chuyển về Thanh Xuân trên cương vị Chấp hành viên trưởng Đội THA Thanh Xuân (nay là Chi cục THADS quận Thanh Xuân). Và đến nay, ông Hà đã 14 năm làm người đứng đầu THA quận …
“Án của Thanh Xuân không nhiều nhưng tính chất phức tạp thì ngày càng tăng. Cả quận có 6 chấp hành viên, không đến nỗi quá tải nhưng phương châm của chúng tôi là đề cao công tác giáo dục, vận động thuyết phục đối tượng tự nguyện THA”, ông Hà cho biết.
“Mặc định” như vậy mỗi năm THADS Thanh Xuân không cưỡng chế quá 10 vụ. Nhưng cũng theo ông Hà, việc làm này không hề đơn giản, đòi hỏi mất nhiều thời gian, công sức và hơn cả là sự bền bỉ, kiên trì. “Nhiều vụ đương sự chầy bửa, chây ỳ, cố tình trốn tránh nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách tiếp cận, thuyết phục, làm cho người phải THA hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của họ”
Một mặt vận động thuyết phục, nhưng với nhiều trường hợp, ông Hà chia sẻ “chúng tôi cũng kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật”
Năm 2010, Thanh Xuân đã giải quyết xong 838/946 việc có điều kiện đạt tỉ lệ: gần 87%; Về tiền giải quyết xong gần 19 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 67%; Giảm án tồn được 85 việc tồn. Tất cả đều vượt chỉ tiêu. Riêng ông Hà, đã trực tiếp giải quyết 175 việc, đạt tỉ lệ 100% về việc và 100% về tiền.
Đề cao công tác phối hợp, siết chặt kỷ luật công tác và luôn khơi gợi sự sáng tạo chủ động trong mỗi cán bộ, chấp hành viên. Thêm nữa là tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, địa phương là những bí quyết thành công của THADS Thanh Xuân, trong đó có người “đầu tàu”- chấp hành viên Nguyễn Song Hà. Nhiều năm liền THA Thanh Xuân cũng như cá nhân ông Hà được nhận những phần thưởng của quận, của Bộ Tư pháp, các cấp, ngành...trao tặng.
Gắn bó nhiều năm với THA, ông Hà vẫn luôn trăn trở: hiện nay thể chế về THA đã cơ bản hoàn thiện tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải hướng dẫn cũng như sửa đổi bổ sung và mong muốn “Ngành tạo điều kiện hơn nữa cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tất cả mọi phương diện”.
Ghi chép của Bình An