Cuộc đua tìm thuốc điều trị COVID-19

Các hãng dược đang tích cực thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19.
Các hãng dược đang tích cực thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến cả thế giới lao đao. Nhưng gần 2 năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu nhen nhóm, cuộc đua tìm phương thuốc điều trị dịch bệnh này vẫn còn rất ngổn ngang.

Những cảnh báo bị bỏ qua

Năm 2003, virus SARS-CoV đã lây lan khắp thế giới, gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS). Khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại rằng đây là khởi đầu của một đại dịch toàn cầu. Tình huống xấu nhất khi đó đã không trở thành hiện thực, nhưng ông Robert Webster, chuyên gia hàng đầu người Mỹ về bệnh cúm gia cầm, vẫn lên tiếng thúc giục các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch tiếp theo. Một trong những khuyến nghị đầu tiên của ông là phát triển và dự trữ các loại thuốc nhắm vào các tác nhân gây bệnh.

Các nhà nghiên cứu dược đã không chú ý đến lời kêu gọi của ông Webster. Sau khi mối đe dọa SARS lắng xuống, sự chú ý đến virus trên gần như biến mất. “Cộng đồng khoa học lẽ ra nên phát triển các loại thuốc kháng virus chống lại bệnh SARS. Nếu như vậy thì chúng ta đã có một thứ gì đó trong kho dự trữ sẵn sàng khi dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2, một họ hàng gần của virus gây ra bệnh SARS, xuất hiện”, ông Webster nói.

Thực tế, khi hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), do một họ hàng khác của virus SARS-CoV-2 gây ra, bắt đầu lây lan qua một số quốc gia vào năm 2012, cũng đã dấy lên cảnh báo về sự nguy hiểm của chủng virus này.

Song một lần nữa, các kệ thuốc điều trị bệnh do chủng virus này gây ra vẫn phần lớn để trống, một thực tế mà ông Jay Bradner, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Y sinh học Novartis (Mỹ), coi là “đáng tiếc”. “Thật xấu hổ. Lẽ ra chúng ta đã có thể chuẩn bị tốt hơn”, ông nói.

Việc phát triển thuốc kháng virus bị chậm lại vì nhiều lý do. Đầu tiên, cho đến 2019, các Cty không có nhiều động lực tài chính để sản xuất những loại thuốc này. Các loại thuốc kháng virus hiện có chỉ nhắm vào 10 loại virus và một nửa trong đó được dùng để điều trị HIV. Các Cty thường tập trung vào các loại thuốc có thể giúp kiếm được nhiều tiền hơn. “Nếu không có một thị trường rõ ràng cho một liệu pháp điều trị, nói chung, các Cty sẽ không đầu tư vào những loại hình trị liệu đó”, chuyên gia về dược phẩm John Bamforth cho biết.

Thêm vào đó, việc phát triển các loại thuốc kháng virus cũng gặp một số trở ngại khoa học.

Thách thức lớn

Virus đột biến liên tục, khiến việc tìm ra một loại thuốc không chỉ có hiệu quả ở thời điểm hiện tại mà còn tiếp tục chống lại được sự biến đổi của virus là một thách thức. Đó là một phần lý do khiến gần hai năm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới hiện vẫn có rất ít lựa chọn thuốc điều trị; và những lựa chọn hiện có cũng mới chỉ có tác động khiêm tốn tới tiến triển của bệnh.

Liệu pháp miễn dịch nhắm vào chính virus cũng đã được sử dụng. Một số Cty đã được cho phép sử dụng khẩn cấp các kháng thể đơn dòng. Khi được sử dụng sớm, các kháng thể đơn dòng hoặc sự kết hợp của các liệu pháp kháng thể đơn dòng làm giảm tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong từ 70-87% ở những người có nguy cơ cao mắc các triệu chứng nghiêm trọng hoặc phải nhập viện. Đây chính là phương pháp được các Cty dược phẩm Regeneron và Roche sử dụng để bào chế Ronapreve, loại thuốc vừa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh cấp phép sử dụng điều trị COVID-19 hôm 22/8.

Loại thuốc này sử dụng một cặp kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm để tấn công trực tiếp vào virus. Các nghiên cứu giai đoạn III cho thấy, thuốc này làm giảm 70% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc phải không nhập viện. Ronapreve cũng làm giảm thời gian có các triệu chứng mắc COVID-19 từ 14 xuống còn 10 ngày ở những người mang virus. Thuốc này được tiêm vào cơ thể và có thể bảo vệ người dùng tới 12 tháng.

Song liệu pháp kháng thể có nhược điểm là đắt tiền và phải được tiêm truyền hoặc tiêm. Ví dụ, thuốc Ronapreve được cấp phép của Anh có giá từ 1.000 đến 2.000 bảng Anh cho một lộ trình điều trị. Điều đó khiến đây khó có thể là lựa chọn ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Thêm vào đó, các liệu pháp kháng thể cũng có thể không có tác dụng nhiều đối với một số biến thể virus đang lưu hành. Trên thực tế, vào ngày 25/6, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã tạm dừng phân phối hỗn hợp kháng thể của hãng Lilly trên toàn quốc vì sự phổ biến của hai biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 mà dường như các loại thuốc của hãng không có tác dụng.

Khi nói đến thuốc kháng virus, các lựa chọn thậm chí còn ít hơn. Tại Mỹ, Remdesivir của hãng Gilead Sciences hiện là loại thuốc duy nhất được chấp thuận để điều trị COVID-19, một phần vì thuốc này đã được thử nghiệm về độ an toàn ở người trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Được phát triển gần một thập kỷ trước và đã cho thấy hiệu quả chống lại các chủng virus corona khác, gồm các chủng gây bệnh Ebola, SARS và MERS, Remdesivir đã được FDA cho phép sử dụng để điều trị COVID-19 vào tháng 10/2020. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thuốc này giúp rút ngắn thời gian bị bệnh.

Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao.

Đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới lao đao.

Những chương trình được kỳ vọng

Theo một thống kê, các thử nghiệm lâm sàng hiện đang đánh giá hơn 225 liệu pháp điều trị COVID-19 bằng thuốc, gồm các tác nhân mới và các loại thuốc đã được phê duyệt cho các chỉ định khác.

Giữa tháng 8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, chương trình thử nghiệm lâm sàng mang tên Solidarity PLUS của tổ chức này sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với 3 ứng viên thuốc điều trị COVID-19 mới là artesunate; imatinib và infliximab. Ba loại thuốc này được một hội đồng chuyên gia độc lập lựa chọn bởi tiềm năng giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.

Để có thể chiến thắng được đại dịch, sự hợp tác là rất cần thiết. Solidarity PLUS là chương trình hợp tác toàn cầu chưa từng có tiền lệ trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các liệu pháp điều trị COVID-19. Thử nghiệm này có sự vào cuộc của hàng nghìn nhà nghiên cứu trên 600 bệnh viện ở 52 quốc gia.

Ngoài ra, hơn 20 Cty công nghệ sinh học và dược phẩm cũng đã hợp tác với nhau để thành lập liên minh INTREPID nhằm thúc đẩy 25 ứng viên thuốc mới, đang ở các giai đoạn nghiên cứu cuối có khả năng diệt được các mầm bệnh virus có nguy cơ gây ra các đại dịch lớn, bao gồm cả virus corona. Một nhóm các nhà khoa học từ các viện hàn lâm, công nghệ sinh học và dược phẩm từ các nơi trên thế giới cũng đã lập nhóm COVID Moonshot để phát triển các loại thuốc ức chế một loại enzym cụ thể trong SARS-CoV-2.

Cho đến nay, ở một số nước, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 có thể đủ nhiều để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Song nhu cầu về các liệu pháp điều trị bệnh vẫn còn cấp thiết bởi virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành ở một số nước bị hạn chế về khả năng tiếp cận vaccine. Và ngay cả ở những nơi vaccine đã phổ biến, vẫn còn những người chưa được tiêm chủng.

Các liệu pháp điều trị mới cũng được đánh giá là một chốt chặn quan trọng nếu SARS-CoV-2 đột biến đến mức có thể tránh phản ứng miễn dịch ở những người được tiêm chủng. Việc tiếp tục tìm kiếm các loại thuốc mới cũng là điều cần thiết bởi SARS-CoV-2 là chủng virus corona thứ ba lây từ động vật sang người trong 20 năm qua.

“Đây có thể không phải là loại virus corona cuối cùng mà chúng ta thấy”, ông Michael Diamond (nhà virus học tại ĐH Y khoa Washington), cảnh báo.

Cuộc đua tỷ USD

Hiện các nỗ lực tìm kiếm phương thuốc điều trị COVID-19 vẫn đang được gấp rút triển khai. Giữa tháng 6/2021, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ chi 3,2 tỷ USD cho việc phát hiện và phát triển thuốc kháng virus để điều trị COVID-19 và các đại dịch do virus có thể xảy ra trong tương lai.

Một số Cty dược phẩm lớn cũng đang chạy đua để phát triển thuốc kháng virus của riêng họ, trong đó 2 hãng Merck và Pfizer hiện đang dẫn đầu. Chính quyền Mỹ đã sẽ mua 1,7 triệu liều thuốc kháng virus Molnupiravir của Merck, là loại thuốc uống chống virus nhằm ức chế sự sao chép của nhiều loại virus RNA, gồm cả SARS-CoV-2. Theo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên 353 bệnh nhân, thuốc đã thành công trong việc giảm tải lượng virus một cách hiệu quả đồng thời đẩy nhanh sự phục hồi sức khỏe của bệnh nhân. Thử nghiệm hiện đã bước vào giai đoạn cuối. Merck cho biết thuốc dự kiến sẵn sàng cuối năm nay.

Pfizer cũng đã thử nghiệm thuốc viên kháng virus PF-07321332 dạng uống mới. “Chúng tôi đã thiết kế PF-07321332 như một liệu pháp uống tiềm năng có thể được kê đơn khi có dấu hiệu nhiễm bệnh mà bệnh nhân không cần phải nhập viện”, đại diện hãng cho biết.

Hãng dược Shionogi của Nhật vào tháng 7/2021 đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng xác định độ hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc điều trị COVID-19 dạng uống; được cho là có khả năng ức chế hoạt động của một loại enzym cần thiết giúp virus corona tái tạo, giảm bớt các triệu chứng như sốt và ho. Sản phẩm của Shionogi hướng đến các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, còn ở giai đoạn đầu của bệnh, khi các biểu hiện còn đơn giản. Thử nghiệm của hãng sẽ kéo dài đến 2022.

Hai Quỹ Bill & Melinda Gates, và Fast Grants và Rainwater cũng đang tài trợ cho một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của các loại thuốc giá rẻ, phổ biến rộng rãi ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể được sử dụng thay thế trong điều trị COVID-19.

Tin cùng chuyên mục

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.