Và việc này diễn ra sau khi kênh truyền hình TelesurTV đưa tin, Thủ hiến Catalonia bị phế truất Carles Puigdemont đã đề xuất (8/1) với Chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, cho phép ông trở về nước (sống lưu vong ở Bỉ) với điều kiện tái bổ nhiệm làm Thủ hiến vùng đất này. Khi đó, ông Carles Puigdemont sẽ ra tòa một cách tự nguyện.
Tranh cãi
Trước đó, ông Carles Puigdemont đã yêu cầu chính quyền Tây Ban Nha trao lại quyền tự trị cho Catalonia sau chiến thắng của phe ủng hộ ly khai trong cuộc bầu cử hôm 21/12/2017. Ngày 30/12/2017, ông Carles Puigdemont đã kêu gọi Thủ tướng Mariano Rajoy chấp nhận kết quả cuộc bầu cử kể trên, đồng thời đề nghị nhanh chóng đàm phán với lãnh đạo các đảng ủng hộ độc lập cho Catalonia. Ông Carles Puigdemont cũng muốn gặp Thủ tướng Mariano Rajoy bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha để thảo luận về Catalonia.
Trong khi Thủ tướng Mariano Rajoy không phản hồi trước đề xuất của ông Carles Puigdemont, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha vẫn duy trì lập trường liên quan đến vấn đề trở về nước của Thủ hiến Catalonia bị phế truất. Theo đó, nếu ông Carles Puigdemont trở về Tây Ban Nha, sẽ bị bắt ngay lập tức bởi chính trị gia này bị buộc tội nổi loạn, kích động nổi loạn và lạm dụng công quỹ.
Theo giới truyền thông, ông Mariano Rajoy đã yêu cầu Catalonia nhanh chóng thành lập cơ quan lập pháp vào ngày 17/1 và đó được coi là bước đi đầu tiên để khôi phục lại chính quyền địa phương do chính phủ trung ương điều hành. Trước đó (29/12/2017), hãng AFP dẫn chỉ trích của Thủ tướng Mariano Rajoy đối với ý định của ông Carles Puigdemont - muốn điều hành Catalonia từ Bỉ để tránh bị bắt.
"Thật ngớ ngẩn khi làm ra vẻ là người đứng đầu một vùng trong khi đang sống ở nước ngoài, và còn ngớ ngẩn hơn khi giả bộ đang thực hiện chức năng này từ nước ngoài", ông Mariano Rajoy nhấn mạnh.
Thủ lĩnh ly khai vùng Catalonia Oriol Junqueras |
Khủng hoảng
10 ngày trước (5/1), Tòa án Tối cao Tây Ban Nha yêu cầu tiếp tục giam giữ thủ lĩnh ly khai Oriol Junqueras (cựu Phó Thủ hiến Catalonia) sau hơn 2 tháng ngồi tù do vai trò của ông trong phong trào đòi độc lập của khu tự trị này. Trước đó, Thẩm phán Pablo Llarena đã bác đơn xin bảo lãnh tại ngoại của ông Oriol Junqueras. Các thẩm phán cho rằng, ông Oriol Junqueras sẽ tái phạm nếu được thả, bởi không có bằng chứng cho thấy nhân vật này từ bỏ “con đường đã đi”.
Theo giới truyền thông, ông Oriol Junqueras bị bắt với cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Ngày 4/1, ông Oriol Junqueras đã xin tại ngoại sau hơn 2 tháng bị tạm giam và tái đắc cử Nghị viện Catalonia trong cuộc bầu cử hôm 21/12/2017. Và quyết định hôm 5/1 của Tòa án Tối cao sẽ ngăn ông Oriol Junqueras tuyên thệ tại phiên họp mở màn nghị viện mới của Catalonia sẽ diễn ra vào ngày 17/1. Luật sư Andreu Van den Eyden cho biết, tại phiên tòa hôm 4/1, ông Oriol Junqueras tuyên bố, cần được trả tự do để nhậm chức.
Theo kết quả cuộc bầu cử tại Catalonia hôm 21/12/2017, các đảng ủng hộ ly khai, trong đó có đảng ERC của ông Oriol Junqueras, đã giành đa số trong hội đồng lập pháp. Giới truyền thông vừa dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos - việc đòi ly khai của Catalonia đã khiến Tây Ban Nha thiệt hại hàng tỷ euro. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha bùng phát sau khi chính quyền Catalonia tiến hành trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập hôm 1/10/2017.
Cảnh sát mở rộng điều tra đối với các nhân vật ủng hộ ly khai ở Catalonia, và họ đã đưa bà Marta Rovira vào tầm ngắm. 1 tháng trước (15/12/2017), cảnh sát đã trình lên Tòa án Tối cao báo cáo dài 112 trang về các nghi can cần điều tra liên quan đến âm mưu ly khai. Và tất cả cựu thành viên chính quyền bị phế truất của Catalonia có thể phải đối mặt với nhiều cáo buộc trong cuộc điều tra này. Bởi chính quyền trung ương Tây Ban Nha coi nỗ lực ly khai ở Catalonia là bất hợp pháp, và đã cách chức chính quyền khu vực này sau khi Hội đồng lập pháp Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập hôm 27/10/2017.