Hết năm 2021, thống kê của Bộ tư pháp cả nước có 17.687 công chức Tư pháp - Hộ tịch (giảm 662 người tương đương với 3,8% so với năm 2020).Thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Đến nay, đã có 48/63 Sở Tư pháp được UBND cấp tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; nhiều địa phương có văn bản chỉ đạo về kiện toàn, nâng cao chất lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
Ngoài việc sụt giảm về số lượng đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã,nhiều địa phương, ở cấp huyện, cấp xã vẫn còn bố trí công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch chưa có trình độ chuyên môn luật. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, công chức Tư pháp – Hộ tịch cơ sở còn phải tham gia nhiều công việc khác tại địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp - Hộ tịch còn chưa ổn định do thường xuyên luân chuyển công tác, trình độ, năng lực đội ngũ này ở cơ sở có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu của công việc.
Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, công chức Tư pháp - Hội tịch cấp xã đang phải thực hiện một khối lượng lớn công việc trong khi biên chế còn thiếu dẫn đến sự quá tải trong công việc, ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Từ vị trí, vai trò quan trọng, nhiệm vụ ngày càng nhiều của công tác tư pháp-hộ tịch cấp xã và từ thực tiễn, Bộ Tư pháp đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:Tiếp tục quan tâmlãnh đạo, chỉ đạo việccủng cố, kiện toàn đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đủ số lượng, ưu tiên bố trí công chức Tư pháp - Hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã loại 1, loại 2 có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều.
Thực hiện việc tuyển dụng, bố trí cán bộ đảm nhận công tác tư pháp - hộ tịch có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; bảo đảm cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức danh được phân công. Đề nghị cân nhắc kỹ việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo hướng bảo đảm hài hòa giữa việc thực hiện các quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng và yêu cầu công việc tư pháp được giao ngày càng nhiều, đặc biệt là lĩnh vực chuyên sâu và am hiểu tình hình tại địa bàn dân cư của công tác hộ tịch cấp xã theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bố trí, tạo điều kiện cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, nhất là các trường hợp hiện nay chưa có đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn luật và nghiệp vụ về công tác hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch và yêu cầu công tác tư pháp ở cơ sở.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm điều phối trong tổng biên chế của địa phương để ưu tiên bố trí biên chế, quan tâm cơ sở vật chất và tăng kinh phí hoạt động cho các cơ quan tư pháp các cấp; quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn luật và được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch vào chức danh công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, tập trung đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ công chức này theo đúng quy định của Luật Hộ tịch.
Bộ Tư pháp cũng xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức Tư pháp - Hộ tịch có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; có cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.